Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới hiện nay, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu, những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách.
Trong bối cảnh nói trên, làm gì và làm thế nào để tận dụng được cơ hội và hoá giải thách thức đang trở thành câu hỏi lớn mang tính thời sự đối với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Chính phủ. Vì thế, Hội thảo hôm nay với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” được tổ chức nhằm góp phần tìm lời giải cho câu hỏi đó.
Chia sẻ tại Hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, theo nhận định của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi số hiệu quả thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.
Theo Chủ tịch VAFIE, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại; giúp doanh nghiệp có sự chuyển hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nguồn nhân lực về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhưng vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số… Cùng với chính sách khuyến khích kết nôi theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữ doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với SMEs để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Đặc biệt là phát triển hạ tầng chuyển đổi số đáp ứng đòi hỏi trao đổi thông tin, sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rằng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đồng quan điểm, đề xuất một số định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại của doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh vai trò của cơ quan Chính phủ đối với chuyển đổi số nói chung và trong thương mại nói riêng. Hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ khó có thể phát huy hiệu quả nếu không có sự đồng hành và chuyển đổi số mang tính tương thích, và tạo thuận lợi của các cơ quan chính phủ.
“Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số của doanh nghiệp khó có thể khả thi và/hoặc bền vững nếu tư duy quản lý nhà nước vẫn theo cách tiếp cận quản lý ngành nghề truyền thống và/hoặc phương thức quản trị rủi ro truyền thống”, chuyên gia này bày tỏ.
Đặc biệt, cần tăng cường chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến môi trường và/hoặc xã hội khi hoạt động trên nền tảng số, các kinh nghiệm, điển hình hay cần nhân rộng. Trong quá trình này, Việt Nam cũng có thể tận dụng các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức nước ngoài, các đối tác thương mại.