Vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế
Để tránh gây khó trong thực thi khi chính sách được thông qua, góp ý Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc lại một số nội dung được đề xuất…
Theo đó, bên cạnh những bất cập của quy định các sàn thương mại điện tử phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật) được cho vẫn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến khó khả thi.
Đặc biệt, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, các chuyên gia cũng chỉ rõ một số quy định về quản lý thuế gây khó trong thực thi, thậm chí không khả thi, tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, để thúc đẩy hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Điều 6 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế) Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật đã đề xuất làm rõ nguồn lực tài chính được bố trí từ ngân sách Nhà nước là không quá 0,5% trên dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao hàng năm.
Góp ý về quy định đã nêu, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc, cơ sở tính toán và các tiêu chí để xác định mức ngân sách này có hợp lý và đủ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế hay không.
“Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng cho người nộp thuế”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng thời cho hay, với việc phê duyệt khi nguồn lực tài chính vượt ngưỡng, trong trường hợp nguồn lực tài chính cần thiết để hiện đại hóa công tác quản lý thuế vượt quá tỷ lệ 0,5%, cần có cơ chế rõ ràng xác định cơ quan cấp nào sẽ phê duyệt, cũng như quy trình để đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực tài chính. Điều này sẽ giúp tăng cường niềm tin của người nộp thuế vào việc sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả và đúng mục đích.
Bên cạnh nội dung này, theo ông Tuấn, về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, quy định hiện hành về Luật Quản lý thuế hướng dẫn đối với trường hợp việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Mặc dù quy định hiện hành đã đề cập mức tính lãi cụ thể trong trường hợp chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Cũng theo ông Tuấn, do quy định về mức lãi phải trả tại 02 văn bản quy phạm pháp luật có sự không thống nhất, Điều 6, Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật đề xuất các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 nhằm đảm bảo tính nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
“Trên thực tế chúng tôi nhận thấy, điều kiện thi hành quy định về bồi thường của cơ quan Nhà nước theo quy định tại Điều 8, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, là rất phức tạp và gắn liền với cơ sở yêu cầu bồi thường từ những quyết định của cơ quan hành pháp, do vậy sẽ không khả thi đối với người nộp thuế”, ông Tuấn bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiện cứu BIDV đề xuất, cần đưa vào và giải quyết những vướng mắc về việc khấu trừ thuế VAT hiện nay trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Để tránh tình trạng một khâu vướng mắc trong chuỗi khấu trừ VAT mắc thì tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi phải dừng lại việc được hoàn thuế.
Theo vị chuyên gia này, nên tách ra từng khâu với thuế VAT, khâu nào đúng thì cho doanh nghiệp hoàn, chỗ nào vướng, có vấn đề thì cho kiểm tra.
Đồng thời đề nghị, phải làm rõ và khu trú trách nhiệm các bên có liên quan trong từng khâu, từng người, đặc biệt là trách nhiệm cơ quan thuế, cán bộ thuế, ai sai người đó chịu trách nhiệm, nếu không cán bộ không dám làm.
“Bên cạnh đó là phân nhóm các hồ sơ hoàn thuế trên cơ sở rủi ro, với doanh nghiệp tốt có thể cho hoàn trước 70% thuế VAT”, vị chuyên gia này góp ý.
Được biết, cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo tính khả thi, thực tế, cụ thể của các Điều, khoản trong Dự thảo. Không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản Nhà nước và gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp.