Chính trị

Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến nghị quyết tại AIPA-45

Bảo Lam 19/10/2024 01:40

Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế.

chu tich quoc hoi
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp Ban chấp hành Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) - Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp Ban Chấp hành AIPA-45 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane và sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội Lào, Đại hội đồng AIPA-45 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước Lào trong khu vực.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc lựa chọn chủ đề của Đại hội đồng AIPA-45: “Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN” phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là: “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”.

Chủ đề này thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Lào nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các nền kinh tế trong khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững; củng cố cam kết chung triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, ứng phó kịp thời với những thách thức đang nổi lên và nắm bắt cơ hội để hướng tới một Cộng đồng ASEAN kiên cường, gắn kết, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định cam kết của Việt Nam hỗ trợ Lào thực hiện tốt trọng trách Chủ tịch AIPA 2024. Chia sẻ ý nghĩa quan trọng của AIPA-45, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đoàn Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm, cùng các nước thúc đẩy đối thoại và hợp tác hiệu quả giữa các nghị viện, củng cố đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực thuộc ưu tiên và quan tâm hiện nay như phát triển bền vững, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Trong bối cảnh ASEAN đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với Tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp của AIPA và các nghị viện thành viên vào tiến trình xây dựng Cộng đồng, bổ trợ cho các nỗ lực chung của ASEAN, hướng đến “ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường và lấy người dân làm trung tâm”.

Có thể khẳng định, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng, một mặt thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, đẩy mạnh sự hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực.

Đồng thời, phát huy trách nhiệm, vai trò của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.

Mặt khác, thông qua việc chủ động, tích cực tham gia đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-45.

Trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng, Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến nghị quyết, bao gồm:

1. Nghị quyết về “Tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đôi mới sáng tạo”.

2. Nghị quyết về “Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN”.

3. Nghị quyết về “Thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN”.

4. Nghị quyết về “Nâng cao năng lực thể chế để kết nối giao thông, hàng không, cảng biển trong khu vực ASEAN”.

Đoàn Việt Nam cũng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 Nghị quyết do Lào đề xuất, 1 Nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất.

Bảo Lam