Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp
Các bộ ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản bị thiệt hại sau bão, lũ.
Đây là yêu cầu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 108/CĐ-TTg ngày 18/10/2024 về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3.
Công điện nêu: Bão số 3 đã gây thiệt hại hết sức nặng nề cả về người, tài sản của Nhân dân và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động chỉ đạo, tổ chức lực lượng xuống cơ sở để hướng dẫn phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là lâm nghiệp, thủy sản còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Để đẩy nhanh phục hồi sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2024, hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản bị thiệt hại sau bão, lũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức các đoàn công tác, huy động chuyên gia, lực lượng chuyên môn, cán bộ khuyến nông cơ sở đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ để trực tiếp hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất.
Tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực bị ảnh hưởng do bão, lũ, kịp thời khuyến cáo, thông tin để người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất khi điều kiện cho phép; hướng dẫn lựa chọn giống, loài thủy, hải sản phù hợp với điều kiện nuôi thay cho những giống, loài có thời gian nuôi dài, không có sẵn nguồn giống.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các địa phương, cơ sở sản xuất, cung cấp giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, trang thiết bị, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp với các địa phương, người dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ để cung ứng, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng hải quan và cơ quan có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc nhập khẩu con giống, vật tư để phục vụ sản xuất trong trường hợp nguồn cung trong nước không bảo đảm (đặc biệt là giống nhuyễn thể)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua, nhất là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tăng cường chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp khôi phục sản xuất, đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó:
Khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ theo quy định của pháp luật để người dân có nguồn vốn nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, nguồn cung vật tư đầu vào cho sản xuất và hàng hóa nông sản trên địa bàn, kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, lợi dụng để trục lợi.
Theo yên cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển (nhất là lúa, cà phê, cao su, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ...), phấn đấu đạt mức tăng sản lượng và giá trị cao hơn 10% so với kế hoạch đã đề ra nhằm bù đắp sụt giảm, nhất là việc giúp đỡ, hỗ trợ cho các khu vực, địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai.