“Không để thiếu điện” - mệnh lệnh của Thủ tướng
Các Bộ, ngành, các tập đoàn cần triển khai ngay các giải pháp đảm bảo dứt khoát không để thiếu điện trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, sáng 19/10.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 9 tháng năm 2024, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, với tổng số điện sản xuất và nhập khẩu đạt 232,8 tỷ kWh, tăng gần 11%; điện thương phẩm đạt hơn 208 tỷ kWh, tăng hơn 11%.
EVN tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ giao để đảm bảo cung cấp đủ điện các tháng cuối năm 2024, với điện sản xuất và nhậu khẩu đạt hơn 77 tỷ kWh; điện thương phẩm ước đạt 67,7% tỷ kWh.
Theo tính toán, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp từ sớm, từ xa, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản vẫn được đáp ứng. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn rủi ro ở khu vực miền Bắc trong cao điểm cuối mùa khô nếu nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài học trong năm 2023, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo điện, tổng thể nguồn điện không thiếu song việc thực hiện còn chưa quyết liệt, điều hành có hạn chế nên xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số thời điểm, một số nơi; gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân, ảnh hưởng uy tín đối với các nhà đầu tư.
Do đó, để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện đúng cam kết đã đề ra về bảo đảm cung ứng điện, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định năm 2024 không thiếu điện dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023. Việc bảo đảm đủ điện rất quan trọng để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam giải ngân 17 tỷ USD vốn FDI, cao nhất trong nhiều năm.
Về năm 2025, theo các báo cáo, với nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200- 2.500MW công suất, Thủ tướng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn và yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025 với các giải pháp cụ thể.
Để bảo đảm nguồn điện 2026 - 2030 với tốc độ tăng trưởng 12 - 15%, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các tập đoàn cần triển khai ngay các giải pháp đảm bảo dứt khoát không để thiếu điện trong năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.
Trong đó phải ban hành ngay Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong hôm nay (19/10) để tháo gỡ cho các công trình sắp làm lắp điện mặt trời mái nhà.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty căn cứ mục tiêu trên, xây dựng các kịch bản điều hành các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối, sử dụng và giá điện.
Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, trọng tâm là sửa Luật Điện lực trong kỳ họp thứ 8 này, theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, xóa cơ chế xin cho và giảm thủ tục hành chính.
Đồng thời, sửa đổi quy hoạch điện lực 8. Có phương án đa dạng hóa nguồn điện, trong đó nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; quyết tâm chuyển điện than sang điện sạch.
Làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng?
Mới đây, Bộ Công Thương đã có công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai, phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công Thương nhận định, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành điện với phương án phát triển điện lực tại các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ các dự án, không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII.
Việc này gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.
Để đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống và đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án điện. Đặc biệt, những dự án điện lớn có thời gian triển khai dài.
Đối với các dự án đã được cấp phép triển khai, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết.
Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, cần quyết liệt thu hồi giấy phép hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng chây ì, chậm triển khai, ảnh hưởng tới cơ hội phát triển các nhà đầu tư có năng lực và tình hình cung ứng điện trong dài hạn.