Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan trong phòng chống tác hại thuốc lá
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tích cực hơn nữa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong phiên chất vấn tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II – năm 2024, các đại biểu trẻ em và trưởng ngành giả định đã chất vấn, trả lời chất vấn, tranh luận và trả lời một cách sôi nổi, trực diện về việc phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em nói chung, cũng như chất lượng dân số, giống nòi của đất nước.
Các ý kiến hỏi và trả lời của các em rất nghiêm túc, trách nhiệm thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của trẻ em.
"Chúng tôi vui mừng nghe được số liệu là 78,2% các em được tham khảo ý kiến là đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tại hội trường này có 306 đại biểu trẻ em, một lần nữa chúng tôi xin được lắng nghe, Đại biểu Quốc hội trẻ em nào thống nhất với đề xuất cấm thì giơ tay biểu quyết để chúng tôi khẳng định định hướng này?"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Khi cả 306 đại biểu đều đồng ý 100% với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Điều này thể hiện rằng các mong muốn của trẻ em cần được các cơ quan nghiên cứu một cách nghiêm túc. Các cơ quan làm chính sách phải dựa trên thực tiễn và phải hướng đến thế hệ tương lai.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, bài học của một số quốc gia cho phép bán các sản phẩm này đã mang lại những hệ lụy lớn, kể cả các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada. Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ.
"Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã tiếp nhận hàng nghìn ca cấp cứu hoảng loạn, ảo giác vì thuốc lá điện tử. Cũng có những di chứng rất lâu dài đến sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất kích thích khác đối với người sử dụng là vô cùng nghiêm trọng...
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt để kịp thời ngăn chặn thế hệ trẻ sử dụng, phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tích cực hơn nữa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đối với các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác. Về lâu dài, sẽ hoàn thiện các quy định cấm các sản phẩm này trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.