Giải bài toán chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp
Việt Nam cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nguồn vốn, khung pháp lý, đến việc nâng cao năng lực nhân sự và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Tuy nhiên, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, doanh nghiệp Việt Nam đang phải dối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu…
Bên cạnh đó là các khó khăn cụ thể như khung pháp lý, nguồn vốn, tài chính xanh, nhân sự có chuyên môn và lộ trình, cách thức tiến hành, thói quen kinh doanh, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật cụ thể…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, tư vấn Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho rằng, để thích ứng thời cuộc, các doanh nghiệp phải tính toán cụ thể và có lộ trình chuyển đổi từng bước để chuẩn bị nguồn lực, có chiến lược phù hợp. Tất nhiên, trong từng ngành sẽ có lộ trình chuyển đổi khác nhau. Về phía cơ quan quản lý, Chính phủ các quốc gia trên thế giới sẽ có lộ trình ban hành các quy định để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Ngay cả EU khi ra quy định về CBAM cũng có lộ trình để doanh nghiệp thích ứng.
“Việc đầu tiên là cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để thay đổi cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng”, ông Nguyễn Việt Long chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Hải, Chuyên gia kinh tế nhận định, thách thức và rủi ro lớn nhất cho chuyển đổi năng lượng nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung của các doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu chuẩn mực phân loại xanh rõ ràng, khung pháp lý và chính sách còn thiếu và hay thay đổi.
“Việt nam là nền kinh tế tuy còn nhỏ, nhưng rất mở và liên kết rất chặt với nền kinh tế thế giới, để định hướng chuyển đổi xanh, Việt Nam cần xây dựng chuẩn mực và khung pháp lý, chính sách cho quá trình chuyển đổi xanh, nhất là phải từng bước xây dựng một hệ thống tiêu chí để phân loại xanh tương thích với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt nam, làm cơ sở để xây dựng các chuẩn mực, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư các ngành xanh được ưu tiên và phát triển tài chính xanh cho chuyển đổi xanh”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thanh Hải, các doanh nghiệp tại Việt Nam nên có kế hoạch cho chuyển đổi xanh phù hợp. Theo đó, cần theo dõi các diễn biến của CBAM; thu thập dữ liệu và thực hiện theo các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính theo CBAM; lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp và lập kế hoạch chuyển đổi xanh tương thích; đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới; phối hợp với chuỗi cung ứng để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính toàn diện…
Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Theo đại diện CIEM, các chính sách cũng chỉ ở mức khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thông sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn. Đơn cử như việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định vẫn còn khá phức tạp.
"Nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ khó tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể", bà Trần Hồng Minh chia sẻ.