Phân tích - Bình luận

Tham vọng của BRICS (Kỳ 2): Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

Trương Khắc Trà 21/10/2024 04:05

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga sẽ thảo luận về hệ thống tài chính, tiền tệ, giao dịch thương mại xuyên biên giới.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga đánh dấu bước ngoặt của khối này (Ảnh SCMP)
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga đánh dấu bước ngoặt của khối này (Ảnh SCMP)

Làm sao để tránh được rủi ro trong thương mại quốc tế? Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định với các nước đứng đầu BRICS. Bài học của Nga và Trung Quốc là nhãn tiền, bị hạn chế tiếp cận một số mặt hàng quan trọng, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế

Vì vậy, Nga và Trung Quốc, hai thành viên năng nổ nhất của khối BRICS, đang thúc đẩy thành lập các sàn giao dịch hàng hóa xuyên biên giới; đồng thời quy tụ những nhà buôn hàng đầu từ năng lượng đến kim loại, khoáng sản, nông sản.

Nga là quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, đang thúc đẩy việc thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, được hỗ trợ bởi một cơ quan định giá, để tạo ra một giải pháp thay thế cho các sàn giao dịch phương Tây, nơi giá quốc tế cho các mặt hàng nông sản được thiết lập.

Trong số các sáng kiến ​​khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, các quan chức tại Moscow cũng đề xuất tạo ra một nền tảng “BRICS Clear”. Sáng kiến này cho phép tất cả các thành viên duy trì quyền truy cập đầy đủ vào thị trường tài chính BRICS ngay cả khi họ bị cắt khỏi cơ sở hạ tầng tài chính phương Tây.

Để đảm bảo an toàn, an ninh cho các giao dịch, BRICS thành lập định chế bảo hiểm toàn cầu, cho phép vận chuyển hàng hóa và các mặt hàng chủ chốt không bị gián đoạn trong trường hợp các công ty tái bảo hiểm phương Tây, những công ty thống trị thương mại quốc tế, từ chối cung cấp dịch vụ.

Quỹ dự trữ dự phòng BRICS đóng vai trò như ngân hàng trung ương của khối, cung cấp giải pháp tài chính, tín dụng, đóng vai trò thay thế cho nguồn tài trợ từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Để chuẩn hóa thị trường tài chính tiền tệ, khối BRICS tự chủ đánh giá xếp hạng tín dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo; kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan xếp hạng tín dụng ở các quốc gia thành viên. Biện pháp này sẽ bảo vệ thị trường BRICS khỏi sự rút lui của các cơ quan xếp hạng tín dụng phương Tây.

BRICS đang xây dựng hệ thống thương mại, tiền tệ toàn cầu (Ảnh Jpost
BRICS đang xây dựng hệ thống thương mại, tiền tệ toàn cầu (Ảnh Jpost)

Trung Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ việc thành lập sàn giao dịch kim loại Thượng Hải (SHFE) để trở thành chuẩn mực và đảo ngược hệ thống giá tham chiếu của kim loại công nghiệp đã có từ năm 1877 khi sàn giao dịch kim loại London (LME) bắt đầu hoạt động.

SHFE đã thiết lập hơn 450 kho hàng khổng lồ bao gồm nhôm, đồng và nhiều kim loại khác bên ngoài Trung Quốc; đồng thời tìm mọi cách chuyển hướng thị trường từ phương Tây sang Trung Quốc, qua đó tạo ảnh hưởng về việc định giá sản phẩm kim loại.

Trên đây là chuỗi giải pháp liên hoàn, phục vụ cho 4 mục tiêu lớn của BRICS: Thứ nhất, mạng lưới các ngân hàng thương mại quốc tế có thể thanh toán xuyên biên giới bằng tiền tệ địa phương. Thứ hai, liên kết trực tiếp giữa các ngân hàng trung ương của các nước BRICS. Thứ ba, thành lập các trung tâm giao dịch trực tiếp các mặt hàng như vàng, dầu khí và ngũ cốc. Thứ tư, củng cố hạ tầng kỹ thuật số với việc thanh toán bằng tiền kỹ thuật số và tiền điện tủ của ngân hàng trung ương (CBDC).

Hiện tại không có rào cản nào đáng kể ngăn chặn ý tưởng trên của BRICS, nghĩa là về lý thuyết, mạng lưới thương mại, tài chính, tiền tệ BRICS có thể hình thành trong ngắn hạn. Dẫu vậy, những thách thức chính trị nội tại mới là điều đáng quan tâm của khối này.

Trương Khắc Trà