Vì sao HDG bị phạt vi phạm hành chính gần 8 tỷ đồng?
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đã bị Tổng cục Thuế xử phạt vi phạm hành chính về thuế, với số tiền gần 8 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Quyết định của Tổng cục Thuế, HDG có các hành vi vi phạm gồm: khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, sử dụng hóa đơn không đúng quy định (liên quan đến bên lập hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh theo kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ).
Với những vi phạm trên, HDG đã bị Tổng cục Thuế phạt hành chính gần 4,5 tỷ đồng. Trong đó, phạt hơn 4,1 tỷ đồng do hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số tiền thuế khai thiếu), phạt 373,6 triệu đồng do hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm và phạt hơn 1 triệu đồng do hành vi sử dụng hóa đơn không đúng mục đích (tương đương 1,5 lần số tiền thuế vi phạm).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn phải nộp đủ hơn 1 tỷ đồng tiền thuế thiếu và hơn 2,1 tỷ đồng tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Tổng Cục thuế lưu ý số tiền chậm nộp trên được tính đến hết ngày 25/09/2024, do đó HDG có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp sau ngày 25/09 đến thời điểm thực nộp số thuế truy thu và tiền phạt.
Như vậy, tổng số tiền HDG phải nộp vào ngân sách Nhà nước để khắc phục các vi phạm về thuế nêu trên là gần 7,7 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp ngành bất động sản này cũng đã bị Cục thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như: Kê khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp; Kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Với các hành vi vi phạm trên, HDG đã bị Cục thuế TP.HCM xử phạt hành chính với số tiền gần 22 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 6,5 triệu đồng; Phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp là hơn 10 triệu đồng; Phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là gần 5,4 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải nộp số tiền thuế truy thu hơn 77 triệu đồng.
Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, HDG ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.439 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 363 tỷ đồng, giảm 16% so với nửa đầu năm 2023.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 sụt giảm so với cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do doanh thu từ mảng năng lượng giảm so với cùng kỳ. Doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận hợp nhất giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Chứng khoán VCBS, trong 2 quý cuối năm 2024, kết quả kinh doanh mảng bất động sản của HDG vẫn ở mức tương đối hạn chế do thiếu nguồn sản phẩm sẵn sàng bàn giao tại các dự án hiện hữu. VCBS kỳ vọng triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2025, khi dự án trọng điểm Hado Charm Villas dự kiến mở bán đợt 3 (gồm 108 căn còn lại).
Đối với mảng thủy điện, HDG có kỳ vọng sự hồi phục nhờ chu kỳ La Nina mới. Sau khi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác động của chu kỳ El Nino (đặc biệt từ cuối 2023), sản lượng thủy điện đã cho thấy dấu hiệu hồi phục trở lại từ giữa năm 2024. Mảng thủy điện được kỳ vọng vẫn sẽ duy trì dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp, tuy nhiên khả năng cao trong năm 2024 vẫn chưa có sự bứt tốc rõ ràng.
Đối với mảng năng lượng tái tạo, HDG hiện đang gặp vướng mắc pháp lý nhất định tại hai nhà máy điện mặt trời là Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 được xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản titan. Nhà máy điện mặt trời SP INFRA 1 nằm trong số 14 dự án được áp dụng giá FiT 1 không đúng đối tượng.
Do chưa có quyết định chính thức, hiện tại hai nhà máy điện mặt trời của HDG vẫn được phép bán điện cho EVN với giá FiT 9,35 cents/ KWh. Tuy nhiên, công ty chứng khoán đánh giá các vấn đề pháp lý trên mang đến rủi ro nhất định liên quan đến mức giá phát điện, nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng phát điện tại các nhà máy.
Với mảng điện gió, HDG đang xem xét việc mở rộng mạnh công suất trong giai đoạn từ 2025-2030 thông qua 7 dự án mới, trong đó có dự án điện gió Phước Hữu (50 MW) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điện gió Bình Gia được trao MOU.
Trước đó, đầu 2024, HDG đã được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm, tiếp tục duy trì mức “A” với triển vọng “Ổn định” đã được xếp hạng vào năm 2023, hồ sơ năng lực kinh doanh ở mức Tốt, rủi ro ở mức Thấp.
Thanh khoản của HDG ở mức Phù hợp trong 12 tháng tới (tính từ tháng 2/2024, công bố xếp hạng) . Với EBITDA dự phóng đạt 2.603,8 tỷ đồng, FiinRatings nhận định HDG sẽ đáp ứng nghĩa vụ nợ vay đến hạn 987,3 tỷ đồng trong năm 2024. Bên cạnh đó, với dòng tiền từ việc mở bán trước một số dự án bất động sản mới, FiinRatings ước tính tỷ lệ nguồn cung/mức sử dụng thanh khoản lần lượt là 2,2x năm 2024 và 1,3x năm 2025.
Theo FiinRatings, mức xếp hạng tín nhiệm A thể hiện năng lực đáp ứng nghĩa vụ tài chính Tốt và là mức “Đầu tư” – một chỉ dấu quan trọng giúp các nhà đầu tư cổ phiếu đưa ra quyết định lựa chọn đưa vào danh mục đầu tư của mình. Đây cũng là mức xếp hạng tín nhiệm giúp doanh nghiệp có ưu thế hơn về lãi suất khi chủ động phát hành trái phiếu huy động cho các dự án, bên cạnh kênh vốn vay ngân hàng.
Ghi nhận từ phía thị trường, mặc dù HDG bị phạt hành chính song nhà đầu tư vẫn có tâm lý lạc quan đối với doanh nghiệp này. Danh mục 33 doanh nghiệp dự phóng sẽ có KQKD tăng trưởng mạnh trong quý III, theo SSI Research, có tên của HDG. So sánh mức nền thấp của quý III năm trước cũng sẽ là lợi thế của HDG để có mức tăng trưởng kỳ vọng cao ở quý này.