Thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Mức thu đã phù hợp
“Nếu đường cao tốc tốt, tốc độ lưu thông đều thì chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện sẽ giảm đi. Doanh nghiệp được lựa chọn tuyến đường lưu thông phù hợp…”.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xung quanh việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đang được đông đảo dư luận quan tâm.
Theo đó, mức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được áp dụng từ 900 đồng/xe/km đến 5.200 đồng/xe/km tùy thuộc vào tuyến đường đã đáp ứng quy chuẩn hiện hành theo Luật Đường bộ.
Nghị định cũng quy định 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc, trong đó nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: Xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.
Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: Xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn. Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet. Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
Nghị định cũng quy định rõ 10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc khi lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác gồm: Xe cứu thương; xe chữa cháy; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân; xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường; xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường; xe của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc; xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh.
Hiện nay, các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư được chia thành 2 nhóm. Nhóm đáp ứng quy chuẩn hiện hành theo Luật Đường bộ (có tối thiểu 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liền mạch) và nhóm chưa đáp ứng quy chuẩn hiện hành (hầu hết các cao tốc trên trục Bắc-Nam). Do đó, mức phí sử dụng đường cao tốc cũng sẽ được chia thành 2 mức. Người sử dụng đường cao tốc đạt chuẩn sẽ nộp theo mức 1 và sử dụng cao tốc chưa đạt chuẩn nộp theo mức 2.
Bộ GTVT cho hay, số tiền thu phí đường cao tốc nộp về ngân sách Nhà nước sẽ góp phần đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi quản lý, bảo trì đường cao tốc. Với mức phí đề xuất như trên, dự kiến sau khi thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác (đủ điều kiện thu phí), số phí thu được là 3.210 tỉ đồng/năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, mức thu phí với những tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước bằng 50 - 70% so với những tuyến đường đầu tư bằng phương thức khác. Với mức thu phí trên, Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, phương án tài chính của dự án và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
“Mức thu đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu thận trọng, tránh tác động đến chỉ số CPI và chi phí logistics”, ông Thái nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn là điều cần thiết, giúp tăng nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc mới, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc cả nước. Trường hợp không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ ảnh hưởng đến các tuyến cao tốc song hành đầu tư bằng phương thức khác như BOT, tạo ra sự bất bình đẳng, ảnh hưởng tới định hướng xã hội hóa đầu tư cao tốc.
“Hiện hàng năm Nhà nước vẫn cần kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm khai thác hiệu quả và an toàn giao thông trên tuyến. Việc thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư giảm bớt áp lực đối với quỹ bảo trì”, ông Quyền nói.
Trước lo ngại việc thu phí gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng, chi phí vận tải của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu chất lượng đường tốt, tốc độ lưu thông đều thì chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện sẽ giảm đi. “Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào từng lô hàng, yêu cầu về thời gian giao hàng để lựa chọn tuyến đường lưu thông phù hợp để bảo đảm yêu cầu của khách hàng”, ông Quyền chia sẻ.