Vì sao Đông Nam Á cần thúc đẩy năng lượng hạt nhân?
Khi Đông Nam Á tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng theo cách bền vững, hạt nhân có thể là một lựa chọn.
Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng ít carbon khác sẽ đóng một vai trò quan trọng. Nhưng Đông Nam Á đang tụt hậu so với nhiều khu vực khác trong việc áp dụng chúng.
Khoảng 30 quốc gia hiện có các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, trong khi khoảng 10% điện năng của thế giới được tạo ra từ hạt nhân, một dạng năng lượng ít carbon.
Ngược lại, không có quốc gia thành viên nào trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có máy phát điện hạt nhân mặc dù đã quan tâm đến lĩnh vực này từ lâu. Trong khi một số quốc gia trong khu vực đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thì mức độ triển khai vẫn chưa thể sánh vai với các khu vực khác.
Theo thống kê, 7 quốc gia bao gồm cả Bhutan, Paraguay và Ethiopia sản xuất gần 100% điện năng của họ bằng các nguồn năng lượng tái tạo. 40 quốc gia khác, bao gồm cả New Zealand, đã tạo ra ít nhất một nửa lượng điện tiêu thụ từ năng lượng tái tạo vào năm 2021 và 2022.
Ngược lại, một báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) công bố vào tháng 9 năm nay lưu ý rằng tính đến năm 2022, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15,6% nguồn cung năng lượng của ASEAN. Điều này còn cách rất xa mục tiêu mà ASEAN đặt ra cho khối vào năm 2020, đó là 23% tổng nguồn cung cấp năng lượng chính sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Tuy nhiên, nhu cầu chuyển đổi xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, vì mức tiêu thụ năng lượng ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng vọt 2,6 lần vào năm 2050 so với mức năm 2022.
Trên thực tế, vào năm 2022, 29,2% lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo tại các quốc gia ASEAN. "Mức này cho thấy năng lượng tái tạo đã thay thế dần năng lượng hóa thạch", Tiến sĩ Zulfikar Yurnaidi, Trưởng phòng lập mô hình năng lượng và hoạch định chính sách tại Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) cho biết.
Những tiến triển mà các nước Đông Nam Á đã đạt được với năng lượng tái tạo chỉ ra khả năng xanh hóa lưới điện khu vực mà không cần phải áp dụng năng lượng hạt nhân.
Với năng lượng hạt nhân, chi phí trả trước cao và các lo ngại về an toàn đã khiến các chương trình năng lượng hạt nhân bị đình trệ ở khu vực này. Ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo có xu hướng được công chúng đón nhận cao hơn và được đánh giá tích cực hơn năng lượng hạt nhân.
Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến thái độ không đồng đều đối với năng lượng hạt nhân ngay cả giữa các quốc gia láng giềng. Một số quốc gia như Singapore và Malaysia đã thận trọng nhắc lại rằng năng lượng hạt nhân là một lựa chọn đang được nghiên cứu. Nhưng những quốc gia khác trong ASEAN như Việt Nam và Indonesia đã công bố ý định hoặc thậm chí là kế hoạch triển khai năng lượng hạt nhân.
Các quốc gia có nhu cầu năng lượng tương đối ít và diện tích đất nhỏ sẽ thấy rằng năng lượng hạt nhân sẽ không phải là ưu tiên của họ vì họ có thể dựa vào các nguồn năng lượng khác như than, khí đốt và năng lượng tái tạo.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho biết năng lượng hạt nhân vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc trong dài hạn. Về mặt lý thuyết, các nguồn năng lượng tái tạo không giới hạn về bản chất, nhưng trên thực tế, có những hạn chế về số lượng hoặc tần suất khai thác chúng.
Tính không liên tục của một số nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió và ở một mức độ nào đó là thủy điện, có nghĩa là chúng không thể chỉ dựa vào những nguồn này như hiện tại.
Các năng lượng này cần được triển khai cùng với các hệ thống lưu trữ hiệu quả hoặc bổ sung thêm các nguồn năng lượng sạch khác. Đây cũng là nơi năng lượng hạt nhân có thể lấp đầy khoảng trống.
Tiến sĩ Victor Nian, đồng Chủ tịch Trung tâm Năng lượng và Tài nguyên Chiến lược, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Singapore, cũng chỉ ra rằng không có lưới điện quốc gia nào trong khu vực được thiết kế cho năng lượng tái tạo.
"Tính không liên tục và theo mùa gây ra mối đe dọa kỹ thuật lớn đối với hoạt động an toàn, trơn tru và hiệu quả của lưới điện", ông chỉ ra.
Trong khi đó, năng lượng hạt nhân là nguồn nhiệt, tương tự như nhà máy điện chạy bằng khí đốt nhưng không phát thải khí nhà kính. Do đó, loại năng lượng này thân thiện với lưới điện hơn, có thể dễ dàng bổ sung vào lưới điện quốc gia và cơ sở hạ tầng lưu trữ của một quốc gia, từ đó giảm nhu cầu về chi phí đầu tư đáng kể.
Mặc dù một số quốc gia có thể muốn tối đa hóa công suất tiềm năng cho năng lượng tái tạo, nhưng những hạn chế như diện tích đất đai nhỏ hẹp đã cản trở điều này. Đây là một mối quan tâm cấp thiết, đặc biệt là khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Tiến sĩ Nian lưu ý rằng khi cân bằng khả năng cạnh tranh kinh tế với việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và năng lượng, các quốc gia trong khu vực cần các giải pháp có thể cung cấp điện đáng tin cậy, ổn định, tiết kiệm và ít carbon với mật độ năng lượng rất cao.
"Hạt nhân là nguồn năng lượng duy nhất đáp ứng được tất cả các yếu tố đó, nhưng cần phải thực hiện thẩm định cần thiết để đảm bảo an toàn trong khi khai thác năng lượng từ các nguyên tử.
Và ngay cả khi các quốc gia tăng cường năng lượng sạch để giảm thiểu tình trạng khẩn cấp về khí hậu, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn cung hoặc hiệu quả của một số năng lượng tái tạo, làm dấy lên những lo ngại lâu dài đối với nguồn điện này. Ví dụ, điều kiện thời tiết thất thường có thể ảnh hưởng đến tính không liên tục của năng lượng gió và mặt trời.
Các chuyên gia cho biết lợi thế chính của năng lượng hạt nhân so với nhiều nguồn năng lượng tái tạo là tính ổn định và độ tin cậy của nó. Đây là lý do tại sao một số quốc gia trong khu vực này vẫn đang nghiên cứu và thực hiện các bước tích cực hơn trong việc cân nhắc nghiêm túc về điện hạt nhân.