Gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 2: Tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển
Gỡ "thẻ vàng" cho ngành thuỷ sản Việt Nam cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để kiểm soát đánh bắt và đạt kết quả cao hơn.
Theo Đại tá Lê Văn Tú - Chính uỷ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 3, việc tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản Việt Nam dù có quyết liệt tới đâu, bằng phương thức nào thì giải pháp hiệu quả nhất vẫn là làm sao để người dân ý thức và đồng lòng. Bên cạnh đó, tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để xác định việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ tiên quyết và trách nhiệm không của riêng ai.
Tăng cường lực lượng chấp pháp
“Chúng ta đã và đang gặt hái được nhiều thành công cũng như mục tiêu đề ra. Song, việc tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản Việt Nam dù có quyết liệt tới đâu, bằng phương thức nào thì giải pháp hiệu quả nhất vẫn là sự đồng lòng và ý thức của người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để kiểm soát đánh bắt và đạt kết quả cao hơn”, Đại tá Lê Văn Tú nhấn mạnh.
Cũng theo Đại tá Lê Văn Tú, hiện nay các nhóm khuyến nghị đề ra đã được lực lượng Cảnh sát biển triển khai đồng bộ các nội dung như: tuân thủ 3 không “chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)” và thực hiện tốt 5 nhóm khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với 28 tỉnh thành ven biển. Bên cạnh đó, BTL Vùng Cảnh sát biển 3 còn bám sát các nội dung nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 2835-CTr/QUTW ngày 03/6/2024 của Quân ủy Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan tới công tác thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương, ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết: với quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EC, huyện Phú Quý cũng đã tập trung, chỉ đạo các xã cũng như các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân. Đa số các tàu thuyền đều có ý thức trong việc khai thác, đánh bắt hải sản, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với những trường hợp vi phạm khai thác IUU, địa phương đều kiên quyết xử lý.
Kiểm soát đánh bắt
Liên quan tới lực lượng chấp pháp trên biển, Đại uý Ngô Thanh Thảo, Chính trị viên Tàu CSB 8001, BTL Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết: để thực hiện đồng bộ các giải pháp, hiện lực lượng Cảnh sát biển 3 đang tiếp tục thực hiện tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu các tàu cá đang đánh bắt tại khu vực giáp ranh Việt Nam với vùng biển nước ngoài phải chấp hành nghiêm các quy định về IUU, không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt; luôn bật thiết bị giám sát hành trình VMS.
“Hiện lực lượng chức năng, Vùng Cảnh sát biển 3, cũng như lực lượng kiểm ngư luôn túc trực dọc đường biên để sẵn sàng triển khai kiểm tra, đồng thời hỗ trợ bà con đánh bắt hợp pháp ở vùng biển của nước ta", Đại uý Ngô Thanh Thảo cho biết.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của lực lượng chấp pháp trên biển, ông Lê Tiến Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để thực hiện thành công gỡ “thẻ vàng” IUU và hướng đến ngành thuỷ sản phát triển bền vững thì việc đầu tiên mà chúng ta cần giải quyết đó là: tăng cường các hoạt động, kiểm tra, kiểm soát và xử lý trong đất liền thì chúng ta có cả hệ thống chính trị đề làm.
Tuy nhiên, theo ông Sử, hoạt động vi phạm chủ yếu nằm trên biển mênh mông, lực lượng chức năng thì mỏng, do đó, đây cũng là những khó khăn đòi hỏi chúng ta cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để kiểm soát đánh bắt, góp phần hiện thực hoá mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thuỷ sản Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai các biện pháp kiểm tra tại bến; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn trên biển; tổ chức điều tra, xác minh, xử lý; công tác hợp tác quốc tế; bảo đảm nguồn lực...
“Đặc biệt, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị: Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, các Quân khu 3, 4, 5, 7, 9 xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí lực lượng, phương tiện và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam”, ông Sử nhấn mạnh.