Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: Cần xem xét kỹ những tác động
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá là việc cần thiết, song cần xem xét kỹ lưỡng những tác động đến các bên liên quan để tránh gây ra những hệ quả không mong muốn.
Cần lộ trình phù hợp
Đối với thuốc lá, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế tương đối 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hai phương án. Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên (2026) và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030, trong khi phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia,cả hai phương án này được cho là quá cao và đột ngột với thị trường, sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thu ngân sách trong dài hạn do thuốc lá lậu, cũng như vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động trong ngành và người nông dân trong chuỗi cung ứng.
Tại Tọa đàm “Cân nhắc lộ trình khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt” thuộc chương trình Diễn đàn Kinh tế của Truyền hình Quốc hội phát sóng ngày 3/10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần có mức tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá một cách phù hợp, có lộ trình tăng vừa phải để tránh gây sốc dẫn đến những hậu quả tiêu cực đến nhà nước, an sinh xã hội, doanh nghiệp và mặt trận phòng chống thuốc lá lậu.
Đồng quan điểm, ĐBQH Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng từng nhấn mạnh trong bài viết đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam ngày 22/09/2024 rằng cần phải có lộ trình triển khai phù hợp, không nên tăng đột ngột thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá nhằm tránh những tác động tiêu cực.
Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm và chỉ ở mức hạn chế. Vì vậy, ông Cường lưu ý Việt Nam cần có ứng xử rất mềm dẻo, cân nhắc các tác động của sự thay đổi chính sách thuế lên cả chuỗi sản xuất của thuốc lá, đặc biệt là người nông dân và các bên liên quan tại vùng nguyên liệu.
“Trồng lá thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản, bền vững của người dân ở những vùng có ít lựa chọn các sản phẩm cây trồng. Và khi chúng ta đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá thì đương nhiên là nhu cầu sản xuất sẽ giảm đi, dẫn đến nguyên liệu đầu vào phải giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp ngay những nhóm đối tượng này”, ông Cường chia sẻ.
Do đó, theo ông Cường, khi tính đến các phương án tăng thuế phải xem xét luôn các phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất làm sao để người dân vẫn có được sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến bình ổn chung của đời sống kinh tế - xã hội. “Khi đó cải cách thuế của chúng ta mới đạt được mục tiêu”, ông nói.
Bên cạnh đó, buôn lậu thuốc lá hiện vẫn là vấn đề phức tạp tại Việt Nam, khi nước ta có đường biên giới dài giáp ranh với nhiều quốc gia láng giếng. Thuốc lá Jet và Hero là hai sản phẩm thuốc lá lậu chiếm thị phần lớn đang có mặt tại Việt Nam. Do đó, khi tăng thuế suất cao ở mức vượt trội như đề xuất hiện nay thì các chuyên gia cũng dự báo tỷ lệ buôn lậu sẽ tăng rất nhiều.
Vì thế, ông Cường nhấn mạnh việc đánh giá tác động của việc tăng thuế TTĐB cần xem xét kĩ tình trạng nhập lậu thuốc lá vì khi tăng thuế bao giờ cũng kéo theo tăng buôn lậu. Ông Cường cũng dự đoán với mức tăng thuế đột ngột sẽ thất thu thuế là 15-17 nghìn tỷ đồng do buôn lậu.
Tương tự, ông Dương cũng cho biết, một chính sách thuế có hiệu quả phải đảm bảo đã được xem xét kỹ lưỡng những tác động đến các bên liên quan có thể bị ảnh hưởng bởi thuế suất hoặc việc cải cách cơ cấu thuế. Bên cạnh đó, sự thành công một chính sách thuế đòi hỏi một cơ cấu hoàn thiện để tạo ra thêm nguồn thu ngân sách để có thể được sử dụng nhằm tài trợ cho các chương trình hiệu quả, cụ thể đối với các mục tiêu phát triển y tế và xã hội của một quốc gia.
Cải cách thuế cần hướng đến mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá
Thuế TTĐB là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng đối với sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công cụ kinh tế là tăng thuế để hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì sẽ không thành công. Ông Cường cho rằng, tăng thuế phải đề ra lộ trình để Việt Nam có thể dùng công cụ thuế song song với việc gia tăng các hoạt động tuyên truyền để giáo dục và sử dụng các biện pháp hành chính khác đi kèm để giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình tăng thuế.
Có cùng quan điểm với ông Cường đối với việc hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá không chỉ đơn thuần dựa vào tăng thuế, ông Dương cũng nhấn mạnh, một chính sách đối với thuốc lá cần đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện.
Hiện nay, tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta tập trung chủ yếu ở nhóm thu nhập thấp. Cai thuốc lá không thể trong ngày một ngày hai. Vì vậy, việc tăng giá thuốc lá hợp pháp cao đột ngột do tăng “sốc” thuế TTĐB sẽ không khiến người tiêu dùng giảm hay bỏ hút thuốc ngay, mà ngược lại khiến họ tìm đến nguồn thuốc lá bất hợp pháp với giá tiền thấp hơn rất nhiều so với thuốc lá hợp pháp.
Chưa kể, thuốc lá bất hợp pháp là sản phẩm không được kiểm định chất lượng, có hàm lượng tar và nicotine cao vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Và như vậy, mục tiêu của Chính phủ về hạn chế tiêu dùng thuốc lá sẽ không đạt được.
Do đó, các cơ quan chức năng cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá gia tăng.
Ông Pankajkumar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dữ liệu đo lường và thông tin Malaysia chia sẻ, Malaysia có tỷ lệ hút thuốc cao. Vì thế, Malaysia tăng thuế để thuốc lá trở nên đắt đỏ. Điều đó làm cho thuốc lá hợp pháp trở nên rất đắt tiền, đặc biệt đối với nhóm thu nhập thấp, đây là nhóm có tỉ lệ người hút thuốc khá cao . Tuy nhiên, điều này cũng khiến thuốc lá lậu tăng cao. Vào cuối năm 2020, hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp đã gia tăng đến mức chiếm gần 2/3 tổng lượng thuốc lá bán ở Malaysia. Trong thời gian qua, Chính phủ Malaysia đã nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ buôn bán bất hợp pháp nhưng con số giảm vẫn không đáng kể.