Chính trị - Xã hội

“Chẩn trị” bệnh lãng phí

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh 22/10/2024 03:13

Lãng phí như những con đỉa ngày đêm hút máu “cơ thể” đất nước, làm suy giảm nguồn lực, kìm hãm sự phát triển.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể. Người dân chưa giàu, nhưng tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức. Đây là vấn đề bức xúc, nhức nhối đã và đang được cả xã hội quan tâm.

Thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều dự án, công trình được “điểm danh” về sự lãng phí lớn, chẳng hạn: Dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng tại TPHCM, sau 8 năm, dù đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, dự án vẫn đang bị tạm dừng từ năm 2020 do những vướng mắc về tài chính và pháp lý. Thành thử, từ hy vọng mang đến sự kiểm soát ngập cho dân, nay đang trở thành một gánh nặng cho ngân sách và là một ví dụ về hình thức lãng phí công khai.

muongchuoi.jpg
Siêu dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng tại TPHCM đã trở thành ví dụ điển hình của lãng phí và sự trì trệ trong quản lý đầu tư công.

Hay như hai bệnh viện tuyến Trung ương tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Với vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng, hai dự án này khởi công từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay, mặc dù phần xây lắp đã cơ bản hoàn thành nhưng chỉ một phần nhỏ diện tích được đưa vào sử dụng, còn lại vẫn bỏ không và có dấu hiệu xuống cấp.

Sau cơn bão số 3 cũng lộ ra một công trình lớn lãng phí tại TP Cảng, đó là Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng - “Nhà cánh diều” được đầu tư 100 tỉ đồng vào năm 2004, nhưng vẫn không sử dụng đúng mục đích. Thay vào đó, 10.000m2 mặt bằng của trung tâm đã biến thành kho chứa hàng cho một doanh nghiệp…

Còn trong lĩnh vực quản lý tài sản công, tình trạng lãng phí cũng nghiêm trọng. Một số liệu từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Trong số này, có hàng ngàn cơ sở đang để không nhiều năm, trong đó có những khu “đất vàng” tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Lô “đất vàng” số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) của Hãng phim truyện Việt Nam là minh chứng và tốn không ít giấy mực của giới truyền thông những năm qua…

Những ví dụ nói trên chỉ là một lát cắt nhỏ phản ánh thực trạng lãng phí trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… thời gian qua, hậu quả không những làm thiệt hại trực tiếp về tiền bạc, ngân sách, mà còn gây lãng phí tài nguyên gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Dĩ nhiên, không ai phủ nhận thành quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là chống lãng phí thời gian qua, nhưng nó chưa như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài “Chống lãng phí” mới đây, có nói: “Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước…”

Lãng phí dưới góc nhìn văn hóa là một hành vi không đẹp. Tuy nhiên, dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và giác độ kinh tế - xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi nguy hiểm của lãng phí, suy đến cùng là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền.

Nguy hiểm hơn, lãng phí thường đi liền với tham nhũng, là con đẻ của tệ nạn tham nhũng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, lãng phí sẽ làm bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến an nguy của quốc gia và sự tồn vong của chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về tiết kiệm, rằng: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...” Và Người cũng chỉ rõ: “Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”.

Do vậy cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng song hành với cuộc chiến chống tham nhũng, là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go. Bởi vì, đất nước ta còn nghèo, ta còn phải tiết kiệm rất nhiều để đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội. Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn.

Có thể nói, thực tiễn phổ biến của lãng phí và bài viết “Chống lãng phí” của người đứng đầu Đảng giống như “hồi chuông” gióng lại cho chúng ta thấy rõ hơn một mặt trái của sự phát triển đó là sự lãng phí, phung phí nguồn lực xã hội, ngân sách. Nó cũng cho thấy, Đảng đã “bắt mạch”, “kê đơn”, đề ra giải pháp cấp thiết “chẩn trị” bệnh lãng phí, góp phần đưa tiết kiệm, chống lãng phí trở thành văn hóa, thói quen, nếp sống, tạo nền tảng thực hiện hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị.

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh