Tham vọng của BRICS (Kỳ 3): Những rủi ro tiềm ẩn
BIRCS đại diện cho xu hướng phát triển tất yếu toàn cầu. Song, liệu khối này có đạt được sức hút đáng kể hay không vẫn còn rủi ro tiềm ẩn.
Quy tắc và trật tự thương mại toàn cầu đã bộc lộ nhiều nhược điểm không thể khắc phục. Một số tổ chức toàn cầu không tiến hóa kịp những đòi hỏi bức bách về xung đột song phương lẫn đa phương; mắc kẹt giữa cạnh tranh không khoan nhượng giữa các nước lớn.
Việc xuất hiện thêm hệ thống mới là phù hợp với tiến trình phát triển không ngưng nghỉ; sự cạnh tranh giữa chúng đem lại cho các nước đang phát triển thêm cơ hội chọn lựa phương thức hội nhập, quy cách giao dịch, hạn chế sự bành trướng của “chủ nghĩa dân tộc cường quốc”.
Do vậy, nhìn chung những đề xuất của BRICS cho thấy sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, phía Nam bán cầu; giảm bớt sự phụ thuộc vào trung tâm Bắc Mỹ, Tây Âu. Đây là cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng hơn.
Tuy nhiên, bản thân khối BRICS còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi đạt được sự đồng thuận cao nhất đi đến một đồng tiền chung, hệ thống giao dịch chung, thanh toán, hoán đổi tiền tệ chung.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhưng từ năm ngoái đã mở rộng thêm Iran, Argentina, Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Ethiopia. Điều này dẫn đến quá đa dạng về văn hóa, thể chế chính trị, chênh lệch trình độ phát triển, kể cả những bất ổn về mô hình kinh tế.
Ví dụ như thành viên mới Argentina, Tổng thống Javier Milei đã bày tỏ quan điểm không mấy thân thiện với nền chính trị thiên tả, khiến ông bất đồng quan điểm với Brazil, Trung Quốc.
Với lạm phát 211,4% vào năm 2023 tại Argentina, ông Javier Milei tìm cách “đô la hóa” nền kinh tế và xóa bỏ đồng Peso. Vì vậy, chính phủ của ông khó có thể đứng về phía bất kỳ liên minh nào đang cố gắng làm suy yếu sức mạnh tiền tệ của Hoa Kỳ và làm tổn hại đến “đồng bạc xanh”.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai thành viên chủ chốt của khối đang tồn tại nhiều bất đồng, xung đột tranh chấp lãnh thổ. Khi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng và Trung Quốc đang chậm lại, căng thẳng này có thể gia tăng đáng kể khi hai gã khổng lồ châu Á không thể quản lý căng thẳng.
Saudi Arabia, UAE và Iran cũng chưa hoàn toàn thỏa mãn với nhau trong rất nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông. Saudi Arabia, UAE ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Israel. Teheran đã trực tiếp cảnh báo họ không được hợp tác hoặc liên kết với Tel Aviv nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.
Bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Iran và hai nước này có khả năng sẽ đẩy giá dầu tăng đáng kể, khiến Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, tức giận.
Bản thân nước Nga đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cam go, bị cấm vận bủa vây, nhiều doanh nghiệp trong khối không hoàn toàn thoải mái hợp tác với đối tác phía Nga vì sợ trừng phạt thứ cấp. Ví dụ, Huawei đã cắt giảm hoạt động tại Nga và Sinopec gần đây đã rút khỏi một dự án dầu khí lớn của Nga.
Nếu cần một cơ chế hợp tác tương tự BIRCS thì đó là Liên minh châu Âu (EU). Với đồng tiền chung euro của khối này, cần tới hàng thập kỷ để ra đời vào năm 2002 - không đơn giản chỉ là thanh toán thương mại.
Hơn 2 thập kỷ tồn tại đồng tiền này cho thấy rằng, đồng Euro gắn chặt với vận mệnh nền kinh tế của tất cả khối. Mỗi thành viên đều có chung trách nhiệm duy trì bảo vệ sức mạnh đồng tiền.
Khi khủng hoảng xảy ra, tất cả đồng lòng chung sức để cứu “con bệnh”, như châu Âu đã từng cứu Hy Lạp, Ireland; tất cả khối cũng đối mặt với sự “trở chứng” của Italy, và nợ công Tây Ban Nha, Pháp, ngay cả vấn đề Brexit đe dọa tồn vong của EU. Cơ chế tiền tệ chung rất nhiều trường hợp trì hoãn các vấn đề nghị sự hệ trọng.
Tóm lại, tất cả công nghệ để tạo ra một hệ thống thanh toán và tiền tệ BRICS độc lập đều có sẵn và không có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, liệu nó có đạt được sức hút đáng kể hay không vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.