Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Dược: Cơ chế nào cho việc bán thuốc online?

Gia Nguyễn 22/10/2024 04:30

Theo chuyên gia, việc mua bán thuốc online có thể xem xét thực hiện, tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng...

Luật Dược hiện hành và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng mua sắm online, trong đó có các sản phẩm dược, ngày càng phổ biến.

Mua thuốc online mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro mà người tiêu dùng cần phải cẩn trọng. Một trong những nguy cơ lớn nhất là việc mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng.

sua-luat-duoc-24.5.2.1.1.jpeg
Từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng mua sắm online, trong đó có các sản phẩm dược, ngày càng phổ biến - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế thống kê cho thấy, Bộ Công Thương đã phê duyệt 52.000 website thương mại điện tử bán hàng, trong đó 900 website có chữ cái bắt đầu bằng “thuốc” hoặc “pharma”, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định rõ về mua bán thuốc trên mạng.

Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, việc kinh doanh thuốc online cần được luật hóa để hạn chế tối đa rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử - Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược. Đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc

sua-luat-duoc-24.5.2.1.2.jpg
Theo chuyên gia, việc mua bán thuốc online có thể xem xét thực hiện, tuy nhiên, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng - Ảnh minh họa

Không chỉ có vậy, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn.

Theo chuyên gia, thị trường dược phẩm năm 2023 đạt 7,8 tỷ đô la, và chúng ta đang tiến đến thị trường dược phẩm năm 2030 là 17 tỷ đô la. Vậy nếu vận hành kinh doanh 17 tỷ đô la đó, có những yếu tố làm giảm bớt chi phí, thì rõ ràng hiệu quả kinh doanh của phân khúc thị trường dược phẩm mang lại nhiều lợi ích vì chi phí giảm đi. Bên cạnh đó, người bệnh được tiếp cận, đỡ mất thời gian, đỡ gây hiệu ứng phụ như ùn tắc giao thông, giảm khí thải… tất cả những điều này đều tốt cho nền kinh tế nói chung, cho người hưởng thụ thương mại điện tử. Việc bán thuốc online hoàn toàn có thể xem xét để thực hiện.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, theo khái niệm chung kinh doanh trực tuyến nghĩa là kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, người bán và người mua hoàn toàn giao dịch trên nền tảng số, không có sự tiếp xúc vật lý với nhau.

Tuy nhiên, với mặt hàng thuốc hay dược phẩm, chính sự tiếp xúc trực tiếp này được quy định trong luật. Người bán thuốc phải có trách nhiệm tư vấn cho người mua thuốc chứ không phải như mua các món đồ khác. Đây là vấn đề cần cân nhắc khi đưa dược phẩm lên sàn thương mại điện tử.

“Cá nhân tôi rất ủng hộ việc mua bán qua thương mại điện tử nhưng vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt. Vì vậy, việc đưa thuốc lên thương mại điện tử cần đảm bảo 2 vấn đề: Người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc. Sản phẩm thuốc phải là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép. Nếu không đảm bảo, quá trình giao nhận thuốc cũng có thể dẫn tới lẫn vào các sản phẩm không đạt yêu cầu”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cũng cho hay, cá nhân ông đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) liên quan việc quản lý kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, trong đó chủ yếu là cho bán các loại thuốc không kê đơn, còn muốn bán online với các loại thuốc kê đơn thì phải có điều kiện.

Vì vậy, ông Trí kiến nghị, có thể cho phép bán thuốc online đối với các trường hợp thực hiện khám chữa bệnh online, có đơn thuốc của bác sĩ. Nhưng việc này chỉ thực hiện đối với các nhà thuốc đã được đăng ký, có uy tín, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, đồng thời có chuyên gia tư vấn; và đội ngũ shipper thuốc cho những nhà thuốc này cũng phải được đăng ký để khi cần có thể liên hệ được…

Theo ông Trí, việc khám chữa bệnh online là xu hướng lớn trên thế giới và ngày càng phát triển. Nếu cấm bán toàn bộ thuốc online có thể dẫn đến gây khó khăn cho người bệnh. Bên cạnh đó, nếu bán online mà tốt và chuẩn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Việc quy định đầy đủ như trên vừa đảm bảo được xu hướng khám chữa bệnh online và lại đảm bảo an toàn cho người bệnh khi mua thuốc online.

Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng - CEO nhà thuốc Phương Chính, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, chuyển đổi số đang là nhiệm vụ “sống còn” đối với nhà thuốc. Đặc biệt sau COVID-19, nhu cầu mua thuốc online rất phổ biến.

“Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online. Chúng tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể triển khai để các nhà thuốc có thể thực hiện đúng quy định, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân”, vị này bày tỏ.

Được biết, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sẽ là một trong 15 Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.

Gia Nguyễn