Thị trường

Kích hoạt loạt thương vụ M&A bất động sản "bom tấn"

Diệu Hoa 22/10/2024 05:00

Thị trường bất động sản phục hồi tích cực, sân chơi M&A bất động sản đang chứng kiến những thương vụ lớn đến từ cả khối nội và khối ngoại.

Vừa qua, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã phát đi thông báo công ty con Jencity Limited sẽ thoái 70% vốn tại dự án Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha tại Quận 2, TP HCM.

Saigon Sport citys
Saigon Sport City vừa được chuyển nhượng sang tay 2 ông lớn Việt. Ảnh: Tuoitre.vn

Kích hoạt loạt thương vụ lớn

Bên mua là hai doanh nghiệp Việt gồm Công ty TNHH HTV Đại Phước và Đầu tư Bất động sản Vinobly, giá trị thương vụ dự kiến trên 7.400 tỷ đồng.

Trước đó, một ông lớn bất động sản đến từ Malaysia là SkyWorld cũng tích cực tìm kiếm quỹ đất mới tại Việt Nam. Trong tháng 9, đơn vị này cũng đã thông báo Công ty TNHH SkyWorld Development (Việt Nam) tức SkyWorld Việt Nam, một công ty con đã mua 100% cổ phần, tức 1,7 triệu cổ phiếu của CTCP Sản xuất Thương mại và Kinh doanh Bất động sản Thuận Thành với giá 350 tỷ đồng. Theo thông báo này, Thuận Thành đang là pháp nhân sử dụng duy nhất và hợp pháp của lô đất có diện tích 2.060m2 tại quận 8, TP HCM.

Trong khi đó, tổng quan chung hoạt động M&A bất động sản 9 tháng đầu năm, thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng ghi nhận có khoảng 11 thương vụ M&A được ghi nhận đã giao dịch thành công.

Tổng giá trị 9/11 thương vụ được cập nhật đạt hơn 1,8 tỷ USD. Giao dịch có giá trị cao nhất là 982 triệu USD, cao gấp 2,2 lần so với thương vụ lớn nhất được ghi nhận tính đến đầu tháng 12/2023.

Theo đó, thương vụ M&A của Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50ha tại Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound và căn hộ…

Tiếp theo là Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất chuyển nhượng 55% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Sado và Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail khi nắm 41,5% vốn. Giá trị giao dịch là 982 triệu USD.

Tiếp đến là thương vụ giữa Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương cho Công ty Sycamore Limited (thuộc CapitaLand), với giá trị lên đến 553 triệu USD.

Thương vụ thứ tư có giá trị 250 triệu USD là Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) và CTCP Sonadezi Châu Đức đã ký kết hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp Châu Đức. Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức), diện tích khoảng 18ha tại Khu công nghiệp Châu Đức.

Thương vụ M&A được quan tâm không kém là Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.

Ngoài ra, còn một số thương vụ khác của Hải Phát, Nhà Khang Điền, Mường Thanh, Bất động sản Hưng Phú.

Thị trường cuối năm sẽ "nóng" lên

Theo VARS, ngay cả khi chưa xác định rõ giá trị giao dịch thành công của 2 trong số 11 thương vụ M&A thành công, chắc chắn giá trị bình quân các thương vụ M&A 9 tháng đầu năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Ít nhất là gấp đôi so với năm 2023.

m&a bds
M&A bất động sản tiếp tục "nóng".

Còn theo trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra nhận định rằng, hoạt động M&A các dự án là một phần quan trọng của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.

Đáng chú ý, việc lãi suất đồng USD đã giảm đáng kể cũng giúp bên mua nước ngoài thuận lợi hơn trong thu xếp vốn cho các thương vụ M&A dự án tại Việt Nam. Dù vậy, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung tại các dự án có pháp lý rõ ràng, chất lượng tốt và nhiều tiềm năng phát triển.

Theo Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Trong khi đó, theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, "khẩu vị" của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn hướng vào lĩnh vực bất động sản nhà ở nhưng số lượng giao dịch rất hạn chế. Điển hình chỉ có một số ít nhà đầu tư như từ Malaysia sở hữu một vài dự án. Do đó, từ nay đến cuối năm, khó có thể kỳ vọng vào các thương vụ M&A mới.

Diệu Hoa