"Hút" vốn đầu tư xã hội vào trạm dừng nghỉ cao tốc
Việc đầu tư xã hội hóa các trạm dừng nghỉ được khẳng định là phù hợp và hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, liên quan đến tiến độ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, Bộ GTVT phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau với tổng số 36 trạm.
Đến nay, 9 trạm đã và đang đầu tư xây dựng (6 trạm đã đưa vào khai thác, 1 trạm đã đưa vào khai thác 1 bên, đang đầu tư 1 bên, 2 trạm đang đầu tư xây dựng) 1 trạm do địa phương quản lý sẽ triển khai khi đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, 2 trạm trên tuyến do Tổng công ty ĐTPT đường bộ cao tốc Việt Nam quản lý triển khai thủ tục đầu tư.
Với 24 trạm thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, có 8 trạm đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng.
Đối với các trạm này, Bộ GTVT đang chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phối hợp với các địa phương sớm bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trước ngày 31/12/2024 và hoàn thành toàn bộ các trạm trong năm 2025.
Ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam, Bộ GTVT, đối với 8 trạm đã lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng trạm bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay với giá trị khoảng 2.180 tỷ đồng, ngoài giá trị nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước 975 tỷ đồng. Đối với các dịch vụ tại trạm, nhà đầu tư sẽ cung cấp các dịch vụ công và dịch vụ thương mại, trong đó dịch vụ công (bãi đậu xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi,…) miễn phí.
"Như vậy, xét về mặt tổng thể, việc đầu tư xã hội hóa các trạm dừng nghỉ là phù hợp và hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước do Nhà nước không phải bỏ kinh phí đầu tư mà còn thu được tiền nộp ngân sách", ông Nguyễn Quang Giang nhấn mạnh.
Bộ GTVT cũng cho biết, có 13 trạm đang tổ chức mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngày 16/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo đó, đối với các trạm dừng nghỉ đang phát hành hồ sơ mời thầu mà đến ngày 1/8/2024 chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ mời thầu phải thực hiện hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, 13 trạm dừng nghỉ này đã hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư.
Ngày 30/9/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 15/2024 quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh; cung cấp, đăng tải thông tin về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Bộ GTVT đang đôn đốc các đơn vị cập nhật nội dung hồ sơ mời thầu theo thông tư mới, tổ chức phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2024.
Trước đó, ông Nguyễn Quang Giang cho biết, Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện, tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban quản lý dự án đã thực hiện đầy đủ các bước gồm công bố danh mục dự án, phê duyệt danh mục dự án, thực hiện thủ tục mời quan tâm và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Hồ sơ mời quan tâm và hồ sơ mời thầu đều được phát hành công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm và tham dự thầu.
Các nhà đầu tư được lựa chọn đã được tổ chuyên gia, bên mời thầu đánh giá đáp ứng các quy định về năng lực kinh nghiệm, tài chính và có phương án đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác phù hợp.
Mặt khác, hồ sơ mời thầu quy định nhà đầu tư phải kê khai số liệu tài chính cho các công trình dự kiến tham gia, quá trình đánh giá của bên mời thầu và đơn vị thẩm định đều xem xét trên cơ sở tổng thể về vốn chủ sở hữu, đáp ứng các quy định của hồ sơ mời thầu. Qua đó, khi phê duyệt kết quả trúng thầu, các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đã xét đến năng lực tài chính để thực hiện toàn bộ các công trình dự kiến trúng thầu trước khi phê duyệt để bảo đảm đầu tư và duy trì chất lượng dịch vụ trạm dừng nghỉ theo quy định.
Ngoài ra, còn có 3 trạm đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, phương án đầu tư hoặc đang thực hiện các thủ tục để bổ sung hạng mục trạm dừng nghỉ trong quyết định đầu tư dự án.
Để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian chờ các trạm dừng nghỉ hoàn thiện công tác đầu tư đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức 8 điểm dừng nghỉ tạm dọc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông chưa có trạm dừng nghỉ.
Trong đó, đoạn từ Hà Nội đến Vinh, bên cạnh 2 trạm của nhà đầu tư đang khai thác là trạm của VEC tại Km227 tỉnh Hà Nam và trạm Xuân Khiêm Km269 tỉnh Ninh Bình trên đoạn Pháp Vân - Cao Bồ bố trí 3 trạm tạm đoạn từ Mai Sơn (tỉnh Ninh Bình) đến Vinh (tỉnh Nghệ An). Đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bố trí 5 trạm tạm, gồm 3 trạm tạm theo hướng từ Nha Trang đi TP Hồ Chí Minh và 2 trạm tạm theo hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang.
Đối với đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế có chiều dài hơn 98 km, hiện nay được bố trí trạm dừng nghỉ tạm tại Km 64+200 trái tuyến và Km 77+800 phải tuyến đảm bảo dừng nghỉ cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Bộ GTVT đã cung cấp và thống kê các vị trí trạm dừng nghỉ, cây xăng trên các tuyến đường kết nối với đường bộ cao tốc thông qua các nút giao để các phương tiện biết và có thể sử dụng tạm.