Ngăn chặn “hàng dởm” trên livestream
Thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến, khiến người tiêu dùng như lạc vào "mê hồn trận" với đủ loại hàng hóa…
Những năm gần đây, hình thức livestream bán hàng trực tuyến đã và đang trở nên sôi động, thu hút nhiều người tham gia, trở thành kênh phân phối, bán hàng hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Dương Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội xoay quanh vấn đề này.
Được biết thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, nhái tràn lan trên không gian mạng. Ông có thể chia sẻ kết quả đã đạt được?
Chỉ riêng 09 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 384 vụ việc có vi phạm quy định pháp luật về thương mại điện tử, phạt gần 5, 9 tỷ đồng.
Cùng với đó, chúng tôi đã kiểm tra, xử lý 468 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử (từ dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử phát hiện các hành vi vi phạm khác) với số tiền phạt hơn 9,4 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm hơn 3,5 tỷ đồng.
Việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng luôn là một thách thức không nhỏ. Ông cho biết những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng bán hàng bằng hình thức livestream hiện nay?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích tích cực thì tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử đang ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo; các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube…
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).
Ðể tăng niềm tin, các đối tượng còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng... Bên cạnh đó, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng. Để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, các đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn, khi nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, Gu.ci...
Ngoài ra, thủ đoạn của các đối tượng này là thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch, live stream bán hàng nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác giám sát, kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Vậy, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã có giải pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?
Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng nhiệm vụ, địa bàn được giao triển khai thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững diễn biến tình hình thị trường; tập trung kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng... Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, live stream qua mạng xã hội (facebook, tiktok shop, zalo…); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán. Qua đó ngăn chặn có hiệu quả và từng bước kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.
Xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng trong các lĩnh vực, nhóm mặt hàng: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, trang thiết bị y tế, … có nguy cơ, tiềm ẩn vi phạm cao. Đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đồng thời trong quá trình kiểm tra không để xảy ra các biểu hiện, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công Thương TP Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Công an thành phố, quận, huyện, thị xã … để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng hóa vi phạm. Nắm tình hình, đánh giá biến động được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý trong tháng cao điểm về kích cầu mua sắm hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại như: ngày Black Friday, ngày mua sắm trực tuyến online Friday…
Chống hàng giả trên thương mại điện tử là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là vào dịp cuối năm khi mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm. Năm nay, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch gì để đảm bảo lành mạnh thị trường trong tình hình mới, thưa ông?
Do nhu cầu cuối năm, nhu cầu người dân mua sắm tăng cao, tình hình thị trường có thể có nhiều biến động, phức tạp. Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm hoạt động thương mại điện tử năm 2024.
Vừa qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã tham mưu Ban chỉ đạo 389 Thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội là đơn vị chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Cục Thuế Thành phố và các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền Thông, Tài chính mở đợt truy quét, kiểm tra, xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm; từ đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử. Phòng ngừa ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, tạo điều kiện ổn định và lành mạnh thị trường trong tình hình mới.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại, thương mại điện tử cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; đồng thời công khai những trường hợp vi phạm với mức độ lớn, nghiêm trọng nhằm tạo sự răn đe với người vi phạm, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!