Cân nhắc chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, góp ý Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi…
Theo đó, tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại nghị trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 22/10, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao nội dung Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý trong Dự thảo Luật.
Quan tâm tới Điều 8 Dự thảo Luật (sửa đổi) về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho rằng, hiện nay Dự thảo đang xây dựng 02 phương án:
Trong đó, phương án 1, quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỷ đồng - Đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm,… không chỉ có vậy, đây cũng là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét lại nội dung này.
Theo đại biểu, phương án này có ưu điểm là xác định được cụ thể quy mô của dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi tại Điều 20 của Luật Đầu tư. Trong khi, phương án 2, quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để đảm bảo phù hợp.
Quan tâm đến môi trường kinh doanh, tham gia góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, tại Điều 32 khoản 1 của Luật Dược quy định, hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 Điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Vì vậy, khi khoản 4 Điều 53a quy định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ là các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được quy định trong Luật.
“Theo các hiệp định thương mại tự do như: WTO, CPTTP, EVFTA,… Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 07 năm kể từ khi gia nhập – tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này”, đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Đồng thời cho hay, nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistic dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, điều 53a theo hướng: a) Bán, giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nếu các hoạt động giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải do chính cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất, nếu dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng.
Cùng với các vấn đề đã nêu, tham gia góp ý Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số định nghĩa của Dự thảo Luật.