Rốt ráo gỡ khó vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư công
Trước áp lực về giải ngân vốn đầu tư công, nhiều địa phương tại các tỉnh phía Nam đang rốt ráo cấp phép mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) để đảm bảo tiến độ cho các dự án...
Nếu tính theo thời gian kết thúc của năm 2024 thì thời gian giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương đến nay chỉ còn hơn 2 tháng. Đây là một trong những áp lực không hề nhỏ khi một số địa phương đến hết quý 3 mới chỉ giải ngân được gần 30%. Về nguyên nhân, bên cạnh những khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì khan hiếm nguồn VLXD cũng là một trong những lý do cản trở, ảnh hướng tới tiến độ của các dự án đang là vấn đề đáng chú ý.
Rốt ráo cấp phép mỏ VLXD
Xác định thiếu VLXD phục vụ cho các dự án là một trong những nguyên nhân cốt lõi, nhiều địa phương, như: Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đã chủ động và khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác VLXD nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn cát, đất đắp nền tại các dự án giao thông trọng điểm tại địa phương cũng như các dự án Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Bắc – Nam…
Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng vừa ban hành Quyết định 2284 về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác cát sỏi lòng sông tại mỏ cát Vàm Cái Thia (thuộc xã Hòa Khánh và Mỹ Lương, huyện Cái Bè). Tổng diện tích đất mặt nước khai thác là 16,6ha. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm trữ lượng địa chất cấp 122 là 291.239m3, trữ lượng đất bóc tầng phủ trong khai thác là 113.771m3.
Về phương án khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia, cho phép thực hiện khai thác ở độ sâu cote (-20m), sử dụng công nghệ xáng cạp (4 chiếc) kết hợp xà lan. Trong đó, có 2 xáng cạp dung tích gầu 2,5m3 để khai thác cát và 2 xáng cạp dung tích gầu 5m3 để khai thác đất bóc tầng phủ.
Đáng chú ý, theo Quyết định 2284/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh Tiền Giang cũng quy định cụ thể về công tác bảo vệ phục hồi môi trường, các hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, các phương án xử lý nước thải, chất thải, khí thải phát sinh, tác động bồi lắng, xói lở, giao thông thủy. Đặc biệt khai thác mỏ cát phải cách bờ sông Tiền tối thiểu 200m, khi xảy ra sạt lở bờ sông phải dừng ngay hoạt động khai thác cát.
Đây là mỏ cát thứ 2 ở tỉnh Tiền Giang khai thác phục vụ các công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó ngày 9/10, mỏ cát Hòa Hưng 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã khởi động theo hình thức chỉ định chủ mỏ (không đấu giá) phục vụ dự án Vành đai 3 - TPHCM.
Việc tổ chức khai thác các mỏ cát trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang để phục vụ nhu cầu ngành xây dựng là cần thiết. Người dân địa phương đề nghị ngành chức năng và đơn vị khai thác các mỏ cát quan tâm vấn đề sạt lở bờ sông đồng thời công tác cấp mỏ cát cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật hiện hành.
Sớm đưa các mỏ vào khai thác
Tương tự, tại Đồng Nai, hiện UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác vật liệu nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đắp nền tại các dự án giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép để đủ điều kiện sớm đưa các mỏ vào khai thác.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM và Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần lượng lớn vật liệu đắp nền. Cụ thể, tại Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM, Dự án thành phần (DATP) 1A cần khoảng 124.000 m3 đá xây dựng các loại; 246.300 m3 cát san lấp và 44.700 m3 đất đắp. Cũng tại dự án này, DATP 3 cần 577.700 m3 đá xây dựng; 498.000 m3 cát san lấp và 390.000 m3 đất đắp.
Trong khi đó, DATP 1 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần tới 398.200 m3 đá xây dựng; 99.600 m3 cát san lấp và 2,2 triệu m3 đất đắp. Trong khi đó, số đá, cát, đất đắp cần để thi công DATP 2 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lần lượt là 1,1 triệu m3; 335.000 m3 và 3,1 triệu m3.
Liên quan tới những áp lực khan hiếm nguồn VLXD, các thủ tục cấp phép mỏ VLXD, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Linh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với đất đắp, vướng mắc lớn nhất là thủ tục đất đai. Để được giao đất, cho thuê đất thì nhà thầu phải thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; tự thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân... Đây là yếu tố khiến giá thành vật liệu đẩy tăng cao. Trong khi thực tế, các mỏ vật liệu san lấp thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 2 năm, theo tiến độ công trình) nên khó khả thi trong điều kiện hiện tại.
“Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Đồng Nai đã xem xét cho thực hiện khai thác, hạ cốt tại khu vực không phải là khu vực quy hoạch mỏ khoáng sản. Nhà thầu tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp, khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia. Nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí theo quy định. Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp”, ông Linh thông tin.
Cũng theo ông Linh, hiện nay tỉnh Đồng Nai xác định 3 khu vực dự kiến bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu và được khai thác gồm: khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành (16,15 ha, trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3); khu vực xã Phước Tân, TP. Biên Hòa (9,3 ha, trữ lượng vật liệu khoảng 1 triệu m3); khu vực xã Tam Phước, TP. Biên Hòa (6 ha, trữ lượng khoảng 0,8 triệu m3). Ước tính tổng trữ lượng 3 khu vực khoảng 4,68 triệu m3 đất đắp nền.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, các vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu trên có nguồn gốc đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Các khu vực này không phải là điểm mỏ, không trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Về nội dung này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi rà soát, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình cho phép khai thác 3 khu vực được đề xuất và cố gắng hoàn tất các thủ tục khai thác để sớm có nguồn vật liệu đắp nền cung cấp cho các công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TPHCM.
Liên quan đến các thủ tục cấp phép khai thác, ông Trần Văn Huyện, đại diện Công ty CP Lizen cho biết, Công ty được giao 1 vị trí khai thác với trữ lượng khoảng 180.000 m3.
“Chúng tôi đã chủ động khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các thủ tục liên quan như trích lục xong bản đồ địa chính. Sau đó, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng đã đi khảo sát thực tế, kiểm tra vị trí tại xã Phước Bình để chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn giao thông khi khai thác, vận chuyển vật liệu. Phương án bảo vệ môi trường cũng đang được hoàn tất. Hiện nay, các sở, ngành tỉnh Đồng Nai đang rốt ráo hướng dẫn thực hiện thủ tục với kỳ vọng vị trí đất đắp sẽ bắt đầu đi vào khai thác cuối tháng 10/2024”, ông Huyện cho hay.