Công nghệ

Bà Rịa – Vũng Tàu: Xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn” chuyển đổi số

Nguyên Vũ 22/10/2024 16:01

Năm 2024, Bà Rịa–Vũng Tàu tiếp tục xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số, mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

3fbde0aaf23b54650d2a.jpg
Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Báo cáo triển khai công tác chuyển đổi số và khâu đột phá về chuyển đổi số 10 tháng đầu năm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, tổng số thực hiện các chỉ tiêu về chuyển đổi số hoàn thành 32/37 chỉ tiêu (đạt 86,4%) (tăng 07 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước), trong đó, phát triển chính quyền số hoàn thành13/15 chỉ tiêu (tăng 01 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước); Phát triển kinh tế số hoàn thành 05/07 chỉ tiêu (tăng 02 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước) ; Phát triển xã hội số hoàn thành 14/15 chỉ tiêu . (tăng 04 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước).

“Chỉ mặt, đặt tên” những “điểm nghẽn”

Các chuyên gia chỉ ra rằng, chuyển đổi số là lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều sở ban ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chuyển đổi số các tỉnh, thành không tránh khỏi những “điểm nghẽn” về nhân lực số, đặc biệt là người dân chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ để chuyển đổi số đem lại những hiệu quả thiết thực.

Thực tế, hoạt động chuyển đổi số của các tỉnh, thành thời gian qua đã đạt được nhũng kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai các đầu việc liên quan đến chuyển đổi số còn gặp những “điểm nghẽn” cần phải có giải pháp và sự quyết tâm để xử lý dứt điểm.

Cụ thể, việc triển khai các nền tảng số trong chuyển đổi số là cách tiếp cận mới, khác với việc triển khai các hệ thống thông tin trước đây nên nhiều sở, ban, ngành, địa phương của một số tỉnh thành còn lúng túng khi triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị, địa phương chưa xây dựng được nền tảng phần mềm và kho cơ sở dự liệu dùng chung của đơn vị mình nên không tập trung, liên kết, chia sẻ được với nhau.

Phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời. Nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đầy đủ nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.

5ae86eef7c7eda20836f.jpg
10 tháng đầu năm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn thành 32/37 chỉ tiêu về chuyển đổi số (đạt 86,4%) (tăng 07 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước).

Đặc biệt, ở một số xã thuộc vùng sâu vùng xa ở một số tỉnh, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của đại bộ phận người dân còn thấp...

Việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở khu vực thành phố vẫn chưa cao. Bởi, một số thủ tục về tư pháp và đất đai, phần lớn người dân vẫn chọn hình thức đăng ký hồ sơ trực tiếp vì vẫn còn nhiều thủ tục, giấy tờ đi kèm.

Giải “bài toán” chuyển đổi số hiệu quả

Là một trong những tỉnh đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số cả nước, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để giải quyết dứt điểm những“điễm nghẽn” trong hoạt động chuyển đổi số, năm 2024, tỉnh tập trung “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Vì vậy, 10 tháng đầu năm tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận. Minh chứng, 100% cơ sở khám chữa bệnh (tương ứng 123/123) có ký hợp đồng với BHXH sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp Bảo hiểm Y tế trong khám chữa bệnh. Đã triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Vũng Tàu, Bệnh viện Bà Rịa, Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác. Về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đạt 87%. Đồng thời, đã triển khai phần mềm Quản lý hồ sơ sức khỏe tại 82/82 Trạm Y tế, đã lập 95% hồ sơ sức khỏe cho người dân. Triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, 08/08 Trung tâm Y tế tuyến huyện và các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện. Trung tâm Y tế tuyến huyện đã triển khai Hệ thống thông tin Quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm VNPT-HIS của Bộ Y tế. Hiện tại, hệ thống cơ bản đã kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu của các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Sở TT&TT đề nghị thẩm định đề xuất chủ trương Thí điểm mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai kết nối thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) trong thi công, khảo sát địa hình mặt đất.

“Hiện đã thực hiện bay được 2000 ha ở xã Tân Phước, Phước Hòa, Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ và chạy phần mềm Globalmapper, CHC, Agisoft metashape professional trên máy tính cấu hình cao để xử lý ảnh. Đồng thời đang biên tập bản đồ bằng phần mềm AutoCad; biên tập bản đồ rồi kiểm tra và đánh giá kết quả đo vẽ”, ông Hiền dẫn chứng.

Ngoài ra, Sở Du lịch đang phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh chủ trương Xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý ngành du lịch. Hiện xây dựng xong phần mềm và đang triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nộp báo cáo trên hệ thống phần mềm. Tính tới ngày 24/9, có 476 cơ sở lưu trú nộp báo cáo trên phần mềm; đã xây dựng xong dashboard tổng hợp báo cáo số liệu dành cho lãnh đạo.

Đến nay, 86% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh được số hóa, xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; 76% nghiệp vụ Ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; 78% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số...

Đặc biệt, tỉnh ban hành, triển khai Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp công nghệ số từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đã thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 02 doanh nghiệp công nghệ số trong 109 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2024 (Công Ty TNHH Công Nghệ Densoft; Công Ty TNHH Sản Xuất Phần Mềm Blocksoft)...

Về quản trị số, tỉnh duy trì, vận hành Phần mềm Chỉ đạo điều hành phục vụ chỉ đạo của UBND tỉnh; Nền tảng Phân tích xử lý dữ liệu tỉnh; Trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; Trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành thử nghiệm hệ thống Giám sát An ninh mạng (SOC).

Về dữ liệu số, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã được triển khai, tổ chức quản lý, vận hành, đưa vào khai thác, sử dụng đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số...

Về chính quyền số, Sở TT&TT đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số cho các Sở TT&TT khu vực phía Nam... Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về chuyển đổi số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khâu đột phá về công tác CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 của các cơ quan, đơn vị năm 2024; Trình Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Kế hoạch Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính”...

Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chính thức hoạt động
Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chính thức hoạt động

Sở TT&TT đã hoàn thành tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trong công tác chuyển đổi số, đô thị thông minh tại Úc; các lớp bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin cho CBCCVC và các lớp trực tuyến qua nền tảng của Bộ TT&TT với 2.020 người. UBND cấp huyện đã tổ chức bồi dưỡng các lớp về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng cho CBCCVC và Tổ công nghệ số cộng đồng với 3.760 thành viên.

Tỉnh cũng triển khai thí điểm ngày không tiếp nhận hồ sơ TTHC bản giấy tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Đưa vào vận hành Mini app Zalo để thúc đẩy chuyển đổi số, CCHC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 25/ đến ngày 10/10, đã có khoảng 98.453 người dùng mini app BR-VT Smart, tạo ra gần 115.239 lượt truy cập.

Tỉnh đang vận hành thử nghiệm App dịch vụ công trực tuyến “DVC Bà Rịa -Vũng Tàu” phục vụ người dân, doanh nghiệp và đưa vào vận hành chính thức trong tháng 11/2024. Hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm chuyên trang thông tin điện tử tham vấn, hiến kế của các chuyên gia cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh...

Đối với kinh tế số, đến nay, 100% (255/255) cửa hàng sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định.

Còn xã hội số, Sở TT&TT phối hợp với Cục Chuyển đổi quốc gia tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về bồi dưỡng, tập huấn cập nhật, hướng dẫn sử dụng cho 503 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 3.000 thành viên trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà về kỹ năng số (MOOCs) do Bộ TT&TT chủ trì đến tất cả CBCCVC từ tỉnh đến xã, thông qua các lớp Bồi dưỡng tập huấn chuyển đổi số. Kết quả thực hiện. Tỉnh tổ chức 1.170 người (305 CBCC cấp xã và 865 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng). Bộ TT&TT tổ chức 604 CBCCVC, gồm 304 CBCCVC và 300 CBCCVC đăng ký học bổ sung. Đến nay số lượng CBCC hoàn thành tương ứng khoảng 50%...

Dữ liệu trên Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, được đồng bộ từ các hệ thống thông tin liên quan theo thời gian thực và các ngành cung cấp theo tần suất phù hợp với nhu cầu quản lý, khai thác, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, gồm: 1.298 chỉ tiêu, tăng 378 chỉ tiêu so với tháng 6/2024...

Đáng chú ý, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hiền cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến từ xa của các địa phương đạt khoảng 50%, nhưng chưa thực chất, hiệu quả, vẫn còn tình trạng CCVC làm thay người dân.

Vẫn còn 18 sở, ngành và 02 địa phương chưa Báo cáo kết quả triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo Hồ sơ đề xuất cấp độ về Sở TT&TT để thẩm định. Hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2024 đều không hoàn thành do vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 82/2024/NĐ-CP mới ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2024.

“Rất ít cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa và khuyến khích người dân tái sử dụng chức năng này, từ đó vẫn còn tồn tại việc yêu cầu người dân cung cấp lại giấy tờ, hồ sơ. Vẫn còn 03 huyện, thành phố chưa đạt theo chỉ tiêu giao (20%) gồm TP Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức...”, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định.

Nguyên Vũ