Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh.
Thực tế hiện nay, phát triển công nghệ sinh học là xu thế chung của thế giới và cũng là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Tại Việt Nam, trải qua quá trình dài phát triển công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó cây trồng chuyển gen đã được ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi đã bước đầu làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp đối phó với thách thức để mang lại những hiệu quả kinh tế.
Tuy vậy, nhiều ý kiến đánh giá, tại Việt Nam, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học còn lạc hậu so với khu vực và thế giới.
Nguyên nhân của những hạn chế trên được nhận định chủ yếu là do nhận thức của không ít người dân, doanh nghiệp, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo…
Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực cần đảm bảo, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Như vậy, vấn đề đặt ra cho sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên mới cần thiết phải điều chỉnh áp dụng công nghệ tạo ra những giống mới để tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực.
“Để vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học”, PGS-TS Nguyễn Hữu Ninh chia sẻ.
Theo đó, phải có hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ sinh học. Tiếp đó là cơ chế đầu tư cho các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học trọng điểm để có thể tập trung nghiên cứu. Nguồn nhân lực cũng cần phải đào tạo để bắt kịp với thế giới. Về ngắn hạn, cần những quỹ hỗ trợ nhà khoa học trong hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác với quốc tế để có thể tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Đồng quan điểm, GS-TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, với khoản đầu tư chưa nhiều, nhưng thời gian qua Việt Nam đã phát triển được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước, như nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Từ đó, đặt nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc gồm nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vắc-xin thú y, các chế phẩm sinh học, các quy trình chẩn đoán chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiều sản phẩm của công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghệ sinh học còn xa với tiềm năng và nhu cầu của đất nước. Mới có các công nghệ phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử... được ứng dụng thành công, mà chưa khai thác được nhiều nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao. Ngoài ra, hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp còn yếu. Sự tham gia của khối doanh nghiệp còn rất lẻ tẻ, chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng.
“Do đó, cần hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam”, GS-TS Lê Huy Hàm đề nghị.