Gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 3: Khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Chống hoạt động khai thác thuỷ sản vi phạm IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Lật - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thuỷ sản Lộc Kim Chi, hiện nay các quy định IUU được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU vào thị trường EU. Đây là hàng rào kỹ thuật nhằm hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản buộc phải minh bạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Song, đây là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng và ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung.
Doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí
“Việt Nam là một trong 21 quốc gia bị EC cảnh báo thẻ vàng. Điều này đồng nghĩa với việc thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất, nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn”, ông Lật nêu.
Cũng theo ông Lật, thị trường EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU khá thuận lợi, liên tục tăng mạnh (từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỉ USD năm 2017). Sau 3 năm bị áp thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU giảm xuống còn 1,22 tỉ USD (năm 2020).
“Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, thủ tục chỉ mất 1 - 3 ngày, sau khi áp thẻ vàng, thủ tục kéo đã dài từ 2 - 3 tuần. Do đó, nếu trong đợt kiểm tra cuối cùng (năm 2024) Việt Nam vẫn không gỡ được thẻ vàng thì đồng nghĩa với việc đời sống của ngư dân sẽ bị ảnh hưởng và ngành thủy sản của Việt Nam chắc chắn sẽ cùng chung một số phận”, ông Lật chia sẻ.
Đánh giá về vai trò quản lý tại địa phương, bà Phạm Thi Na - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong đợt thanh tra lần thứ 4 (từ ngày 10/10 đến ngày 18/10/2023) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đoàn công tác của Uỷ ban Châu âu (EC) đã tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao sự chuyển biến tích cực, nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị. Song, về công tác tổ chức theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, đoàn thanh tra nhận xét chúng ta chưa thực hiện nghiêm khắc. Do đó, EC tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với các phương tiện đánh bắt hải sản, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; không để tàu 3 không như: không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép; và tỷ lệ xử phạt còn rất thấp...
Xử lý dứt điểm để khẳng định vị thế
Về các giải pháp, bà Na cho rằng, để xử lý dứt điểm, các địa phương cần tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU, tiến tới gỡ thẻ vàng của EC trong năm 2024.
“Qua đợt kiểm tra lần thứ 4, EC đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần phải quản lý chặt việc xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nếu như trong lần kiểm tra sắp tới nếu chúng ta vẫn không gỡ được thẻ vàng IUU thì ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ bị áp "thẻ đỏ". Chắc chắn chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường EU với trị giá xuất khẩu gần 480 triệu đô la Mỹ. Về lâu dài, xuất khẩu thuỷ sản có thể bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng. Ngoài ra thuỷ sản Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường khác”, Bà Na lưu ý.
Cũng theo bà Na, hiện Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Chi cục Thuỷ sản và kiện toàn văn phòng đại diện tại các cảng cá. Trên cơ sở đó, các văn phòng đại diện, gồm: Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản, Thanh tra… tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra và kiểm tra tất cả các tàu cá trước khi ra khơi và sau khi về bến, để phát hiện kịp thời những tàu cá có hành vi vi phạm để lập biên bản, xử lý theo quy định.
Nhận định về sự ảnh hưởng từ thẻ vàng EC, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuỷ sản - Bộ NN&PTNT cho biết: Năm 2017, khi nhận cảnh báo thẻ vàng của EC, Việt Nam cũng nhận thức được những tác động tiêu cực của hoạt động IUU đối với phát triển ngành thủy sản. Song, việc bị áp dụng thẻ vàng kéo dài nhiều năm khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục. Chỉ sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU sụt giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD (năm 2019). Xu hướng giảm còn nặng nề hơn nữa vào năm 2020, do tác động kép bởi dịch Covid-19 và thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản sang EU tiếp tục giảm thêm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Năm 2022, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc).
"Việt Nam bị thẻ vàng EC đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành thuỷ sản. Bởi, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường EU rất là lớn, ước tính trên 50 triệu USD. Và với nhu cầu như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu sang thị trường EU. Đặc biệt là chúng ta đã ký hiệp định FTA với EU, thì việc tận dụng được thuế quan cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu là một cơ hội rất lớn”, ông Hùng nói.
Do đó, ông Hùng cho rằng, việc chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng. Song, mấu chốt quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức của người dân, kiên quyết không tham gia và không vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực nhằm gỡ thẻ vàng của EC, đồng thời nâng cao hiệu quả đánh bắt; đánh bắt hợp pháp… để sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU được nâng cao giá trị, từ đó ngư dân tăng thu nhập.