Nhìn thẳng - Nói thật

“Thả nổi” hoá chất “kịch độc” đến bao giờ?

Nguyễn Giang 23/10/2024 11:06

Liên tiếp các vụ trọng án xảy ra vì chất độc xyanua khiến dư luận phẫn nộ, bàng hoàng và kinh hãi, thế nhưng loại hoá chất “kịch độc” ấy vẫn được bán tràn lan…

tha-noi-hoa-chat-kich-doc-den-bao-gio-1.png
Một tin nhắn rao bán xyanua trên mạng xã hội

Theo đó, từ thông tin nghi vấn một người phụ nữ tự tử bằng chất độc ở quận Bình Thạnh (TPHCM) mới đây, lực lượng chức năng đã khám phá ra đường dây mua bán xyanua trái phép, núp bóng dưới 3 công ty kinh doanh hóa chất khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, thông tin từ Bộ Công an cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm độc hại (đặc biệt là xyanua), Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 5 vụ án với 17 bị can về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng cho biết đã thu gần 9.500 kg xyanua, đồng thời khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ xyanua tại 11 tỉnh, thành để thu hồi hơn 318,5kg xyanua mua bán trái phép.

Đáng nói, cụm từ “xyanua” không phải qua vụ việc này mới được nhắc đến. Những năm gần đây, từng có hàng loạt vụ trọng án xảy ra với những kẻ sát nhân máu lạnh khiến dư luận bàng hoàng, kinh hãi, rất nhiều sinh mạng đã bị tước đi vì thứ chất “kịch độc” mang tên “xyanua”. Nhưng rất lạ, thứ hoá chất "giết người" ấy vẫn ngày ngày được rao bán ngang nhiên.

Thực tế, chỉ cần gõ “mua xyanua giá rẻ” ngay lập tức hiện ra nhiều kết quả rao bán xyanua với số lượng từ 1 kg đến 50 kg hoặc thậm chí nhiều hơn và cũng có thể đặt mua dễ dàng. Chất cực độc này được rao bán tự do, công khai tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng chỉ cần gõ cụm từ “đầu độc bằng xyanua”, cũng sẽ thấy kết quả là hàng trăm bài báo phản ánh về tình trạng hoá chất cực độc được bán tràn lan, cùng nội dung các vụ trọng án liên quan tới loại hoá chất “kịch độc” này. Trong đó, có những vụ án khiến nhiều người thật sự phải rùng mình.

Họ rùng mình bởi tính chất, tình tiết trong vụ án khi giá trị đạo đức bị băng hoại, bị xuống cấp bởi những kẻ máu lạnh dùng xyanua đầu độc người thân. Vì sao việc mua chất độc để giết người lại dễ dàng như thế? Phải chăng chính việc “thả nổi” các loại hoá chất cực độc này đã vô tình “tiếp tay”, “giúp sức” cho những kẻ sát nhân (!?).

tha-noi-hoa-chat-kich-doc-den-bao-gio-3.jpg
Số lượng hoá chất độc hại bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ. Ảnh: BCA

Sau một số vụ án khiến dư luận bàng hoàng, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An cũng từng phải thốt lên rằng, suốt thời gian qua, việc quản lý quá lỏng lẻo nên hoá chất kịch độc mới có thể mua dễ dàng trên mạng. Vốn là Phó giáo sư, Tiến sỹ chuyên ngành Hóa Lý, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, bà Bùi Thị An là người được đào tạo chuyên sâu về hoá chất nên hiểu rõ những tác hại mà chất hoá học có thể gây ra cho con người và những quy định về quản lý, sửa dụng những chất này.

Bà An cho biết, trong Luật Hóa chất quy định rất rõ, hóa chất độc hại có loại 1,2,3 và yêu cầu dán nhãn lên các bao bì ấy một cách rõ ràng và yêu cầu người kinh doanh, cũng như người quản lý phải thực hiện. Những hóa chất nào bán buôn phải có giấy giới thiệu, lượng bao nhiêu và khi mang về kho các đơn vị nghiên cứu cũng như sản xuất, Thủ trưởng cơ quan ấy phải quản lý. Và khi xuất kho phải có chữ ký của thủ trưởng.

Theo bà An: “Quản lý của chúng ta rất yếu kém, không làm đúng luật và người kinh doanh cũng làm không đúng luật. Không thể nào có chuyện chất xyanua lại có thể bán online dễ dàng như thế”.

Cũng như chia sẻ của TS-BS Quan Thế Dân, ông từng xem trang web của các công ty hóa chất, ngoài mua số lượng lớn, ông còn thấy cả đơn hàng cá nhân với số lượng 200 g - 500 g, mua về để làm thí nghiệm. Các chợ đầu mối về hóa chất vẫn lén lút bán xyanua. Một liều 50 mg xyanua đã có thể gây tử vong, thì 200 g hóa chất có thể làm chết 4.000 người. Vị bác sĩ cũng phải rùng mình khi nghĩ đến thứ chất độc này được mua bán dễ dàng như thế.

Có lẽ đã đến lúc cần thiết đặt xyanua là chất hạn chế đặc biệt, từ đó có cơ sở pháp lý để siết chặt quản lý cũng như nâng cao mức phạt răn đe. Việc mua bán chất hạn chế đặc biệt này ngoài việc tuân thủ các quy định về kinh doanh có điều kiện, cần có cơ quan quản lý danh sách, từ số lượng nhập khẩu, đến tận từng người tiêu thụ cuối cùng, nhằm giám sát được đường đi của nó.

Suy cho cùng, yêu cầu quản lý hoạt động mua bán, sử dụng các loại hoá chất độc hại đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Và không chỉ xyanua mà hàng loạt các chất độc, chất cấm khác cũng cần phải quản lý chặt chẽ. Nên chăng, chúng ta cần thêm những cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ từ cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng “thả nổi” như hiện nay.

Nguyễn Giang