Vì sao Nhựa Hưng Yên chinh phục được thị trường Nhật Bản?
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được.
Với 99% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản – thị trường vốn được coi là khó tính bậc nhất thế giới, công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm bắt xu hướng của thị trường để đưa ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
“Xanh” hóa để tăng lợi thế cạnh tranh
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cả nước có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất ngành nhựa. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu; trong đó, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản... Do đó, áp lực cạnh tranh là rất lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên cho biết, xu hướng chung của thế giới hiện nay là phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, kinh tế “xanh”. Việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của ngành Nhựa nói riêng và các ngành sản xuất nói chung.
Do đó, Công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm túi PE thân thiện với môi trường, góp phần vào công cuộc bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường xuất khẩu nhựa hiện nay.
Được thành lập 1974, trải qua 50 năm hình thành, phát triển, công ty CP Nhựa Hưng Yên đã khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường nhựa xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 5000 tấn hàng, bao gồm túi siêu thị, túi rác, túi tự hủy, túi Fashion,… chiếm 45-50% tổng sản lượng nhựa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ở phía ngược lại, tại Nhật Bản, sản phẩm của công ty Nhựa Hưng Yên chiếm gần 12% tổng sản lượng nhựa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Tùng, khoảng 8 năm trở lại đây, Nhựa Hưng Yên bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nhựa PE từ nguyên liệu thiên nhiên, như: ngô, khoai, sắn, vỏ cà phê, nguyên liệu Limex từ đá vôi, nguyên liệu Biobase từ đường mía,… để phù hợp với tiêu chí, xu hướng thời đại và yêu cầu của khách hàng. Các nguyên liệu này có đóng góp to lớn trong việc giảm phát thải khí carbon ra môi trường lên tới 500%, giảm thời gian phân hủy hơn rất nhiều lần so với túi nilon thông thường. Đồng thời, sử dụng các nguyên liệu thân thiện này cũng góp phần giảm thiểu sử dụng các nguồn cung cấp dầu mỏ.
Các sản phẩm BIO của công ty khi xuất khẩu sang thị trường Nhật được gắn logo Biomass sau khi thông qua các cuộc kiểm tra khắt khe và được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế JQA (Japan), SGS (Hong Kong). Bên cạnh đó, Nhựa Hưng Yên tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm với nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận OK – Compost và EN 13432 để tạo ra những sản phẩm sinh học hoàn toàn.
“Trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, Nhật Bản là thị trường lớn và khó tính, đã tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Để thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường này, các doanh nghiệp nhựa phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ để “xanh” hóa quy trình sản xuất, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững”, ông Tùng cho hay.
Nâng cao chất lượng người lao động
Đã có nhiều khách hàng Nhật Bản hỏi rằng: Tại sao Nhựa Hưng Yên lại trả lương cao hơn so với mặt bằng chung, chúng tôi chỉ cười và nói: thị trường Nhật Bản yêu cầu khắt khe về chất lượng, chúng tôi trả lương cao để đảm bảo rằng người lao động có chất lượng cuộc sống tốt nhất và làm ra các sản phẩm chất lượng cao nhất – như chất lượng của Nhật Bản vậy.
Thật vậy. Tỉnh Hưng Yên có thị trường lao động dồi dào nhờ các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và lao động từ các địa phương khác, với mức thu nhập dao động từ 8 – 10 triệu đồng/ tháng. Nhưng với công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên, hơn 1000 công nhân đang làm việc tại đây đều hưởng mức lương bình quân từ 14 triệu đồng trở lên/ tháng. Điều đặc biệt hơn, mỗi công nhân sẽ được hưởng 15 tháng lương/ năm, trung bình mỗi Quý sẽ hưởng thêm 01 tháng lương – điều ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có thể làm được hiện nay.
“Với doanh thu khoảng 120 triệu USD/năm, chúng tôi tự tin sẽ đủ điều kiện đảm bảo cho cuộc sống của người lao động được tốt nhất, để họ có thể yên tâm lao động, sản xuất, cống hiến cho công ty”, ông Nguyễn Mạnh Tùng khẳng định và cho biết: người lao động mới nhất của công ty đã làm việc được khoảng 7 năm, còn người làm việc lâu nhất đã lên tới hơn 30 năm.
Người lao động luôn là giá trị cốt lõi của công ty. Ngoài các quyền lợi được hưởng theo quy định của pháp luật Lao động, doanh nghiệp có ký thỏa ước lao động tập thể được xây dựng theo đúng trình tự pháp luật quy định và còn hiệu lực. Có nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cũng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức riêng hội nghị người lao động hàng năm. Điều này giúp Nhựa Hưng Yên luôn tạo được niềm tin đối với khách hàng, nâng cao uy tín và thương hiệu trên trường quốc tế.
Nhựa Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm túi PE thân thiện với môi trường không chỉ tới thị trường Nhật Bản mà còn vươn xa tới các thị trường khác trên thế giới. Tin tưởng rằng, với 50 năm kinh nghiệm sản xuất, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và khu vực, Nhựa Hưng Yên sẽ tiếp tục bước những bước tiến dài, luôn là đối tác kinh doanh hàng đầu trong ngành công nghiệp bao bì thân thiện, cùng Việt Nam hiện thực hóa cam kết tại COP 26.