Ngày 24/10, Quốc hội xem xét, thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp 8, ngày 24/10, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 Điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 Điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Trong đó thể hiện đầy đủ theo 04 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 04 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 03 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Đây là Dự án Luật được đánh giá thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức (phân cấp phân quyền 3 nội dung, cải cách 8 thủ tục), bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với nội dung đã nêu, cũng trong sáng 24/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Sau đó, Dự thảo Luật sẽ được đưa ra thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ tổ chức thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.