Nghiên cứu - Trao đổi

Cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu

Gia Nguyễn 24/10/2024 04:30

Để đảm bảo tính cạnh tranh, góp ý Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp…

Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP vẫn đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến hoàn thiện.

Mặc dù đã trải qua 4 phiên bản Dự thảo, tuy nhiên, đến nay Dự thảo Nghị định này vẫn nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng như các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với không ít băn khoăn, lo ngại.

can-dam-bao-quyen-tu-do-cho-cac-doanh-nghiep-kinh-doang-xang-dau-24.1.2.jpg
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến vẫn để lại những băn khoăn, lo lắng - Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP, kinh doanh xăng dầu hiện nay đang vận dụng theo mô hình quản lý hàng dọc. Đó là hàng hóa từ đầu mối, bán cho thương nhân phân phối, thương nhân phân phối cấp xuống đại lý và đại lý bán cho cửa hàng để cửa hàng bán lẻ cho người dân.

“Trong chuỗi phân phối này, thường xuyên có sự nghi ngờ về hoa hồng giữa các bậc phân phối thấp. Nhà nước đã ấn định giá trần xăng dầu nên hoạt động kinh doanh không thể “nhảy” qua mức giá đã quy định. Nếu giá giảm, doanh nghiệp đầu mối nhập về lỗ trước, nên buộc phải siết chiết khấu để giảm lỗ cho mình. Các nấc phân phối sau cũng sẽ thực hiện tương tự và thương nhân bán lẻ, các cửa hàng phân phối sẽ không còn gì. Đó chính là nút thắt”, ông Dũng chia sẻ.

Để cho hệ thống phân phối xăng dầu đạt được tiêu chí bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ đời sống dân sinh, theo ông Dũng, điều cơ bản nhất là phải đủ chi phí vận hành của hệ thống. Từ đó, chuỗi cung ứng được duy trì, hoạt động ở mức độ tối thiểu là hòa vốn, phải có một chút tích lũy cho chủ đầu tư, cho cổ đông và những người góp vốn vào doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu.

can-dam-bao-quyen-tu-do-cho-cac-doanh-nghiep-kinh-doang-xang-dau-24.1.1.jpg
Để đảm bảo tính cạnh tranh cho thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Ông Dũng cho rằng, nếu Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu không cho thương nhân phân phối, mua bán tự do lẫn nhau và chỉ mua từ đầu mối thì sẽ rất khó khăn cho các nhà phân phối nhỏ lẻ. Vì nếu tất cả các đầu mối đều lỗ thì các doanh nghiệp phân phối sẽ mua hàng của ai khi chiết khấu của các đầu mối ngang nhau. Phần chiết khấu không đủ bù chi cho chi phí vận chuyển thì các doanh nghiệp tư nhân, chủ cây xăng hoặc công ty phân phối đều lỗ, dẫn tới tình trạng khan hàng xảy ra.

Bên cạnh đó, sau ngày điều chỉnh giá, khi giá xăng dầu được liên bộ nâng giá lên thì tự nhiên hàng hóa có sẵn. Điều này cho thấy, rõ ràng là đầu mối giữ hàng lại và họ cũng siết chiết khấu để chống lỗ cho họ.

“Chúng tôi cho rằng, thương nhân phân phối, doanh nghiệp cần được quyền mua, bán xăng dầu trực tiếp. Về luật, chúng tôi cần được đối xử bình đẳng trong kinh doanh”, ông Dũng bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam băn khoăn, kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện, vậy các quy định ở Nghị định đối với kinh doanh xăng dầu có được vượt qua các luật không?

“Tôi cảm giác như các nhà hoạch định đang nhầm lẫn, đưa ra điều kiện có thể là cao hơn luật, thậm chí là không phù hợp với luật… thế nhưng, họ cho là không sai, mà giải thích là do đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Vậy, kinh doanh “có điều kiện” mà chúng ta đưa ra có cần phải hợp luật không?”, vị này chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, hiện nay, công tác kết nối thông tin của Bộ Công Thương với doanh nghiệp đã tốt lên, vì thế sẽ nắm được sản lượng mua bán để biết tổng cung cầu của nền kinh tế, trên cơ sở đó hoạch định chính sách phù hợp.

Xu hướng kết nối thông tin này sẽ còn tốt hơn nữa, cùng với công tác quản lý, chúng ta sẽ kiểm soát được rủi ro. Điều này hàm ý cần cho phép doanh nghiệp được tự do mua bán xăng dầu, thay vì hạn chế quyền như Dự thảo Nghị định.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đang đủ điều kiện để hội nhập thị trường khi cung xăng dầu không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng có tính cạnh tranh cao với hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, cần mạnh dạn mở theo cơ chế thị trường, tức là phải có tự do mua bán cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ cần đủ điều kiện thì được tự do tìm nguồn hàng. Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh và tạo ra chiết khấu tốt; khi đó, doanh nghiệp tính toán giỏi sẽ hoạt động tốt và ngược lại, góp phần mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng.

Được biết, trước những vấn đề của Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, ngày 22/10 vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung một số nội dung cần thiết vào Dự thảo nghị định này.

Gia Nguyễn