Các “ông lớn” toàn cầu đến Việt Nam kết nối đầu tư bán dẫn
Các "ông lớn" công nghệ hàng đầu thế giới sẽ tham dự sự kiện kết nối quy mô lớn các chủ thể trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Đó là triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC cho biết, với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn phát triển bền vững.
Không chỉ khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, sự kiện sẽ cập nhật về các xu hướng công nghệ tiên tiến, mở ra những cơ hội mới, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn như nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, sinh viên. Hơn 100 doanh nghiệp ở các công đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn tham gia sự kiện, trong đó có các “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới như GlobalFoundries, Intel, Amkor, Coherent, Infineon, Marvell, Qorvo, Cadence, Synopsys, Siemens, Tektronix, CoAsia…
Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp. Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ sau đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới cũng như để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào với chi phí hợp lý, các công ty bắt đầu chuyển hướng đến những nước có thế mạnh trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo SEMI, trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.
Đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo; đồng thời ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam; Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
SemiExpo Viet Nam 2024 là một trong những hoạt động góp phần nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Trong đó, tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư từ những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngược lại, thông qua sự kiện NIC mong muốn các đối tác, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới có cái nhìn trực quan về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử và các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông Christoph Prommersberger - Phó Trưởng phái đoàn Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết, 85% chip trên thế giới sử dụng máy móc được thiết kế tại Hà Lan. Các doanh nghiệp Hà Lan cung cấp thiết bị hoạt động trong hệ sinh thái gắn kết và sẵn sàng kết nối để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn toàn diện tại Việt Nam nhằm thu hút các nhà cung cấp toàn cầu trong chuỗi cung ứng. Sự hợp tác này, theo đại diện Đại sứ quán Hà Lan, mở ra nhiều cơ hội mới không chỉ cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia,mà thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.