DIỄN ĐÀN BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: Cần thiết xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin
Đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí ngoài giúp quản trị, còn góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí – kinh tế, báo chí – doanh nghiệp.
Đây là chia sẻ của TS Đỗ Anh Đức - Nhóm nghiên cứu Bộ chỉ số VCCI tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024 do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức.
Theo TS Đỗ Anh Đức, thông tin kinh tế là những nội dung thông tin liên quan đến mọi mặt của lĩnh vực kinh tế, từ hoạt động sản xuất klinh doanh, dịch vụ, thị trường, phân phối cho đến chính sách, quản lý, điều hành nền kinh tế.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vai trò của thông tin đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước là rất quan trọng. Thông tin giúp các doanh nghiệp, cá nhân thu thập, xử lý, sử dụng thông tin một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, kết nối với khách hàng, đối tác một cách dễ dàng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong việc tận dụng thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý, điều hành.
Thông tin kinh tế và thông tin về hoạt động doanh nghiệp là một lĩnh vực không thể thiếu trên báo chí, bao gồm cả báo chí chuyên và không chuyên sâu về kinh tế. Với đặc thù của lĩnh vực này, thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp có tác động trực tiếp, nhanh chóng và thậm chí ngay lập tức đến các vấn đề về chính sách, chiến lược quản lý vĩ mô và vi mô của nền kinh tế. Do đó, hiểu và đánh giá được chất lượng thông tin trong lĩnh vực kinh tế là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí kinh tế, đồng thời tăng cường hiệu quả kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Vì vậy, VCCI đã nghiên cứu đề xuất Bộ chỉ số đáng giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí”, TS Đỗ Anh Đức chia sẻ.
Cũng theo TS Đỗ Anh Đức, về phương pháp đánh giá, đo lường, Bộ chỉ số sử dụng các phương pháp như: phân tích nội dung thông điệp trên báo chí, khảo sát công chúng bằng bảng hỏi, khảo sát cách công chúng tiêu thụ tin tức (thông qua các chỉ số phát hành, thời gian lưu lại trang, các chủ đề được tìm kiếm…), đánh giá của hội đồng chuyên gia (gồm các chuyên gia báo chí, quản lý, nhà báo…) tham gia đánh giá trên sự tổng hợp của hơn một phương pháp nghiên cứu.
Cơ sở để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí từ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học, cơ sở về con người, cơ sở pháp lý và cơ sở nhận thức về xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phương pháp thu thập dữ liệu và triển khai đánh giá dựa trên phương pháp nghiên cứu tài liệu, phân tích nội dung, điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu.
Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí được xây dựng dựa trên 4 tiêu chuẩn lớn gồm: nội dung thông tin, chất lượng thông tin, hiệu ứng thông tin, quản trị tòa soạn và nguồn nhân lực.
“Việc nghiên cứu xây dựng Bộ công cụ đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí ở Việt Nam là hết sức cần thiết, có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, có tính khả thi và tiên phong đóng góp vào việc nghiên cứu, quản trị báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại.
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí còn góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí – kinh tế, báo chí – doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để báo chí kinh tế có thể tham khảo, làm chỗ dựa và đề ra chiến lược hành động trong tương lai, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí, đồng thời song hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Nhà nước nói chung phát triển bền vững”, TS Đỗ Anh Đức nhấn mạnh.