Temu có dễ "chiếm lĩnh" thị trường Đông Nam Á?
Nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đang đẩy nhanh việc triển khai tại Đông Nam Á. Nhưng những nỗ lực này có thể gặp nhiều rào cản.
Kể từ khi bắt đầu hành trình thâm nhập thị trường khu vực Đông Nam Á vào tháng 8 năm ngoái, Philippines đã trở thành điểm dừng chân đầu tiên của Temu để mở rộng ra nước ngoài. Sau đó, vào tháng 9 cùng năm, trang web này đã chính thức hiện diện tại Malaysia.
Vào tháng 7 năm nay, Temu đã mở trang web tại Thái Lan và tiến vào thị trường Việt Nam cũng như Brunei. Hiện tại, chỉ còn Indonesia, Singapore... vẫn chưa được khai thác.
Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh của Temu tại Việt Nam không mấy lạc quan. Báo cáo của công ty tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử và phân tích YouNetECI về doanh số của các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý II/2024 cho thấy Shopee, TikTok Shop, Lazada và các nền tảng khác có thị phần lần lượt là 71,4%, 22% và 5,9%, và nói chung đều áp dụng chiến lược giá thấp.
Nhà phân tích Xiao Danyun của EqualOcean cho biết, thành công của chiến lược giá thấp không chỉ phụ thuộc vào giá rẻ mà còn đòi hỏi những nỗ lực phối hợp về hậu cần, dịch vụ, tuân thủ chính sách và hoạt động tại địa phương.
"Lấy Shopee và Lazada làm ví dụ, thành công của họ không chỉ nằm ở việc cung cấp các sản phẩm với giá thấp mà còn ở việc phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường, tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng và tận dụng các nguồn lực tại địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động. Rõ ràng, sự phát triển của Temu tại thị trường Đông Nam Á vẫn đòi hỏi những nỗ lực trong các lĩnh vực này để thích ứng tốt hơn với thị trường của khu vực này., chuyên gia Xiao Danyun nhận định.
Theo báo cáo về thương mại điện tử tại Đông Nam Á do trang web công nghệ OpenGovAsia của Singapore công bố, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Trong số đó, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16% đến 30% trong bốn năm qua. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đã tăng trưởng đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước, theo sát sau là Thái Lan với 34,1%.
Hiện tại, Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba ở Đông Nam Á, điều này chắc chắn thúc đẩy sự mở rộng của Temu vào Việt Nam.
Để nhanh chóng thâm nhập thị trường và ra mắt trang web trong giai đoạn đầu tại Việt Nam, Temu tiếp tục sử dụng các chiến lược trước đây như hỗ trợ giá và cung cấp ưu đãi về hậu cần, bao gồm cung cấp dịch vụ trả hàng miễn phí trong 90 ngày và tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá sản phẩm lên đến 90%.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi giảm giá vẫn là công cụ góp phần tăng sự hiện diện của Temu tại các thị trường mới. Ví dụ, việc ra mắt các hoạt động giảm giá trên trang bán hàng tại Việt Nam bao gồm giảm 70 nghìn VNĐ cho các đơn hàng trên 750.000 VND và giảm 170 nghìn VND cho các đơn hàng trên 1.250.000 VND.
Trước đây, Temu phải mất từ 5 đến 20 ngày để giao hàng đến Malaysia và Philippines. Do lợi thế về mặt địa lý giáp với Trung Quốc, thời gian giao hàng tại Việt Nam đã được rút ngắn xuống còn 4 đến 7 ngày sau khi trang bán hàng được ra mắt mở, cải thiện đáng kể về tốc độ.
Hiện tại, Temu đã đạt được thành công ban đầu trên thị trường toàn cầu. Các nền tảng phân tích dữ liệu Statista và AppMagic đã phát hiện ra rằng tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng tải xuống của Temu đã vượt quá 0,735 tỷ lần trên toàn cầu, với số lượt truy cập hàng tháng trong quý I/2024 vượt quá 0,5 tỷ lần.
Ngoài ra, trong các tháng 5, 6 và 7 năm nay, số lượt tải xuống hàng tháng của Temu đã vượt qua 50 triệu lần, cao gấp ba lần so với gã khổng lồ Amazon.
Mặc dù vậy, nhà phân tích Xiao Danyun của EqualOcean chỉ ra thêm rằng thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tương đối phân mảnh, thói quen tiêu dùng trực tuyến vẫn chưa bền vững, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử vẫn thấp và mua sắm ngoại tuyến vẫn chiếm ưu thế.
Cùng với đó các chính sách bảo vệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước ở các nước Đông Nam Á cũng hạn chế sự mở rộng của các nền tảng nước ngoài như Temu. Đơn cử, Indonesia đã chặn Temu để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước khỏi tác động của các nền tảng nước ngoài.
Do sự khác biệt về chính sách giữa các nước Đông Nam Á và thị trường Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu rõ ràng không thể sao chép mô hình kinh doanh nội địa và chiến lược giá thấp vào thị trường Đông Nam Á.
Ông Wu Jian, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn đầu tư Panshi Việt Nam, nói với tờ Star Daily rằng mặc dù có không gian phát triển cho các mặt hàng giá rẻ tại thị trường Đông Nam Á, các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee đã thiết lập sự hiện diện trong nhiều năm, sở hữu hệ thống hậu cần được tích hợp tốt với hiệu quả cực kỳ cao.
Theo quan điểm của ông Wu Jian, là người đến sau, Temu không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ mạnh này, mà còn cần phải vượt qua thực tế là người tiêu dùng Đông Nam Á có thói quen thanh toán tiền mặt khi giao hàng nhiều hơn.
"Temu chủ yếu dựa vào thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế, điều này chắc chắn làm tăng thêm khó khăn cho việc mở rộng thị trường của công ty tại Đông Nam Á, nơi phạm vi bao phủ và tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng không cao", ông đánh giá.