Kinh tế thế giới

Xuất khẩu sang Canada sắp gặp "cơn gió ngược"

Trương Khắc Trà 26/10/2024 11:15

Canada sẽ bãi bỏ cơ chế ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường (GSP) vào cuối năm nay, khiến xuất khẩu Việt Nam sẽ đối diện với thách thức lớn.

nong san
Nông sản của Việt Nam vẫn còn cơ hội được xuất khẩu vào thị trường Canada. Ảnh: TTX.

Động thái này của Canada buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cửa mới để xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Nhận diện khó khăn

Canada là thị trường lớn thứ 5 của Việt Nam. Nhóm 10 mặt hàng như: điện thoại di động, da giày, quần áo, các sản phẩm từ da, thủy sản, nội thất, đồ chơi và đồ thể thao,… luôn đat mức tăng trưởng từ 8 - 100% từ quý 1/2023 đến nay. Riêng dệt may 9 tháng đầu năm 2024 đạt 900 triệu đô la Mỹ. Có được điều này là nhờ GSP mà Canada đã cấp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP là đặc ân từ các nền kinh tế phát triển dành cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trên cơ sở không cần có đi có lại và không phân biệt đối xử. Canada là một trong 28 thị trường cung cấp GSP, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia được hưởng cơ chế này.

GSP của Canada miễn hoặc chỉ tính thuế cao nhất vài phần trăm cho hai nhóm sản phẩm công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp. Đây là động lực quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng mức độ hiện diện tại thị trường này. Đặc biệt, điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn so với những đối thủ cạnh tranh không được hưởng GSP.

Tuy nhiên theo thông báo mới nhất, vào cuối năm nay Canada sẽ khép lại chương trình GSP, như vậy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada không còn được miễn hoặc giảm thuế. Thực tế này khiến doanh nghiệp Việt khó khăn hơn trong cạnh tranh về chi phí logictics, giá thành sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Canada.

Không được hưởng GSP là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ cùng ngành cạnh tranh trực tiếp chúng ta như Bangladesh, Campuchia, Pakistan vẫn tiếp tục hưởng GSP mà không phải chịu các ràng buộc về xã hội và môi trường; đồng thời được hưởng quy định về xuất xứ dệt may đơn giản hơn.

Trong bối cảnh tính chất và cấu trúc hợp tác thương mại xuyên biên giới đã thay đổi, Chính phủ Canada chủ trương hướng về khối Nam Mỹ, xây dựng chuỗi cung ứng ngắn và an toàn hơn, theo phương châm “nearshoring”, friendshoring”. Nước này đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico, dần thay thế cho các nhà cung cấp xa về vị trí địa lý.

Bieu do T11
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong giai đoạn 2013 – 2023.

Cuộc chơi sòng phẳng

Mọi ưu đãi trong thương mại quốc tế không phải là hằng số, mà liên tục thay đổi do sự phát triển của các nước được thụ hưởng; cấu trúc trật tự quan hệ thương mại, ngoại giao, chính trị biến chuyển; sự thay đổi theo chiều hướng ngày một nâng cao trong quy chuẩn về sản xuất, tiêu dùng.

Thực tế trên đòi hỏi mỗi doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, văn hóa sử dụng con người, phương pháp khai thác nguồn lực tự nhiên, xã hội để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Điều này cũng có nghĩa GSP Canada không phải là cánh cửa cuối cùng bị đóng lại.

Thứ nhất, Việt Nam và Canada cùng là thành viên của CPTPP với khung khổ cam kết ưu đãi rất rộng. Tính đến năm 2023, sau 5 năm CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 4,1 tỷ đô la Mỹ lên đến 9,8 tỷ đô la Mỹ.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada theo CPTPP vẫn rất thấp, mới đạt 18%; khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GSP. Điều đó có nghĩa dư địa khai thác CPTPP còn lớn, và sức ảnh hưởng của GPS không quá lớn về trung và dài hạn.

Thứ hai, đối với những thách thức khách quan, trên nền tảng ngoại giao quốc gia song phương, đa phương dồi dào và phong phú đối tác, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đa dạng hóa thị trường buôn bán. Nếu như trước đây đa phần tỷ trọng ngoại thương đến từ Trung Quốc, một vài nước ASEAN, Đông Bắc Á, thì nay đã mở rộng sang châu Âu, Tây Á, Bắc Mỹ, Bắc Phi.

Mặc dù thương mại quốc tế đang bị chi phối bởi “chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, nhưng Việt Nam đang giải quyết khá tốt thách thức này, với việc là đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường quốc; tham gia ký kết nhiều FTAs với khu vực, khối kinh tế lớn nhất. Đây là mới là nền tảng căn bản và bền vững để phát triển thương mại xuyên biên giới.

Thứ ba, cho dù có những thay đổi cục bộ, mang tính bước ngoặt, tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị, nhưng phần lớn cơ hội thương mại vẫn chia đều nếu như những nhà xuất khẩu có thể đáp ứng các tiêu chuẩn tiên tiến nhất hiện nay, như xã hội và môi trường: giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo nhân quyền lao động, bình đẳng giới.n

Trương Khắc Trà