Nghiên cứu - Trao đổi

Cần làm rõ hơn cơ sở đề xuất tăng mức xử phạt với kiểm toán độc lập

Yến Nhung 25/10/2024 04:00

Góp ý sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập lên gấp 30 lần.

Thực tế cho thấy, qua 12 năm thực hiện, Luật Kiểm toán độc lập đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc triển khai cơ chế chính sách, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và điều hành của Chính phủ.

10 (1) (1)
Hiện nay, khung pháp lý về kiểm toán độc lập đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc - Ảnh minh họa: ITN

Gần đây, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực kiểm toán cần được thể chế hóa. Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, xuất phá từ thực tế triển khai khung pháp lý về kiểm toán độc lập đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Luật Kiểm toán độc lập chưa bao trùm hết các đối tượng cần kiểm toán. Thực tế có nhiều doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn, có giao dịch phức tạp, có số lượng lao động lớn, doanh thu cao… cần thiết phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm để minh bạch thông tin tài chính, giúp các cơ quan chức năng, cơ quan thuế có căn cứ xem xét trong quá trình giám sát, quản lý, điều hành đặc biệt là đảm bảo số thuế nộp vào ngân sách Nhà nước được đầy đủ, tránh trốn thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ những lý do trên, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính (Dự thảo), trong đó có Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, gồm quy định người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán. Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.

Đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho biết, từ một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể thấy mức xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán độc lập theo quy định hiện hành chưa đủ tính răn đe. Do đó, Bộ Tài chính đã sửa đổi và bổ sung tại khoản 7 Điều 3 Dự thảo các quy định về thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm; mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân).

Tăng trưởng tín dụng đã tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với mục tiêu của năm 2024 - Ảnh minh họa: ITN
Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập lên gấp 30 lần - Ảnh minh họa: ITN

“Về vấn đề này, Ban soạn thảo đã tiếp thu đóng góp ý kiến của doanh nghiệp và Hiệp hội. Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn Bộ Tài chính kiểm tra và xem xét lại khi hiện nay tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, mức xử phạt này tương ứng chỉ là 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân. Mặc dù hiểu đây là để tăng cường minh bạch, tăng cường tính răn đe cho đối tượng hành nghề, nhưng có nên nhiều như thế hay không?” - bà Ngọc đặt câu hỏi.

Hơn thế, bà phân tích, Dự thảo chỉ sửa và nâng trách nhiệm của kiểm toán viên trong khi trách nhiệm của kế toán viên - người chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính trước khi đưa cho kiểm toán viên kiểm toán - lại không được sửa đổi song hành. Điều này là không công bằng và không có tính răn đe. Bởi trách nhiệm đầu tiên về báo cáo tài chính vẫn thuộc về doanh nghiệp và kiểm toán nội bộ, cùng kế toán viên lập báo cáo. Kiểm toán viên chỉ dựa trên các chuẩn mực, luật định và các quy định pháp lý có liên quan về kiểm toán độc lập để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính có trình bày trung thực hay không.

“Vì vậy, trong trường hợp muốn tăng xử lý vi phạm cho kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán, cần xem lại mức phạt và làm rõ vai trò trách nhiệm của cả kế toán viên và doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thúy Ngọc đề nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng cho rằng, thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm là rất dài và chưa phù hợp tương đồng với thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực kế toán, lĩnh vực thuế và hành vi trốn thuế, chỉ là 2 năm.

Thẩm tra các nội dung nói trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tác động, bổ sung thông lệ quốc tế, làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần so với Luật hiện hành. Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn, đề nghị lưu ý có mức xử phạt hợp lý với các hành vi, vừa có tính kế thừa các quy định hiện hành, vừa tăng mức độ răn đe với các hành vi thực sự nghiêm trọng nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Yến Nhung