Ngày 25/10, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Cùng với Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tại phiên họp ngày 25/10, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)…
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tiếp sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sáng cùng ngày, Quốc hội sẽ xem xét về công tác nhân sự
Và tại phiên họp chiều 24/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Đồng thời, các đại biêt cũng sẽ tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Được biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có 79 Điều (sửa đổi, bổ sung 72 Điều, giữ nguyên 6 Điều, bổ sung 1 Điều 36a), do đó, số lượng điều tăng lên 1 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội trước đó.
Đặc biệt, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý đối với 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành); nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên (Điều 16); công chứng điện tử (mục 3 Chương V); cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 63); trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.