Kinh tế địa phương

Thái Nguyên phát triển chiến lược giáo dục nghề nghiệp

Kim Dung - Duy Phường 24/10/2024 06:50

Trong bất cứ thời đại nào, nguồn lực con người luôn là vốn quý giá nhất, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Tỉnh Thái Nguyên luôn coi vấn đề phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo Sở
Hội thảo phát triển GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm thực hiện và xây dựng Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các nội dung như:

Mục đích hướng tới là: Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, vị trí của GDNN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tạo bước chuyển biến cơ bản, nâng cao chất lượng GDNN gắn với nhu cầu thị trường lao động;

Định hướng cho các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh về công tác tuyển sinh, đào tạo trong giai đoạn 2022 - 2025; có kế hoạch đầu tư, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo đáp ứng cơ bản về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số ngành nghề đạt cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc tế.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Phát triển hệ thống GDNN cần sự tham gia của nhà nước; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho GDNN; Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế;

Gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

lớp đào tạo nghề may công nghiệp khoá 1, năm 2024
Giáo viên của Trung tâm GDNN - Hợp tác và phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên hướng dẫn học viên tra cứu tài liệu khoá học lớp đào tạo nghề may công nghiệp khoá 1, năm 2024

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thái Nguyên thể hiện rõ 5 quan điểm dưới đây.

Một là, phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;

Hai là, phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở GDNN, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới;

Ba là, phát triển GDNN bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bốn là, Nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong ngân sách giáo dục-đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.

Năm là, phát triển GDNN là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và người dân; được chú trọng trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

Mục tiêu của Chiến lược là “Phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, Mục tiêu đến năm 2025: Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc tỉnh, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và các nước SEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 32% (9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt 76%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 37,7%).

433101002_951006580359315_3662859022790354353_n.jpg
Một lớp thực hành tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025: Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ tăng 23% so với quy mô tuyển sinh năm 2021, trong đó phấn đấu cơ cấu đào tạo trình độ cao đẳng 8%, trình độ trung cấp 27%, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 65%; Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới;

Đào tạo mới chiếm khoảng 70%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 30% lực lượng lao động. Trong đó, đào tạo nghề cho khảng 25.000 người thuộc các đối tượng: Lao động nông thôn; người dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng đặc thù khác;
Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; xây dựng 01 trường trung cấp chuyên biệt của tỉnh đào tạo cho người dân tộc thiểu số và miền núi;

Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; Ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng;

Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; Phấn đấu có 01 trường cao đẳng của tỉnh đạt chất lượng cao.

Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Định hướng đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Chiến lược xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cụ thể như sau: Để đạt được mục tiêu đề ra năm 2025, Thái Nguyên sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN; Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN; Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.

Trong đó, giải pháp “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” được xác định là giải pháp đột phá.

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thái Nguyên, đã góp phần nâng cao chỉ số Đào tạo lao động, thể hiện qua kết quả khảo sát thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do VCCI công bố, chỉ số Đào tạo lao động đã có sự cải thiện khi tăng 0,62 điểm so với năm 2022, đạt 6,95 điểm, xếp thứ 4 cả nước.

Theo đánh giá của VCCI, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI luôn quan tâm tới Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi đây là cơ sở tham chiếu quan trọng để doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư, sự năng động của chính quyền địa phương và khả năng đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương đó.

Cũng theo VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt đạt 75%, cao hơn trung bình cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 70%, thuộc nhóm cao trong cả nước; 96% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Điều này khẳng định chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, thu hút nhà đầu tư về tỉnh.

Kim Dung - Duy Phường