Chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới Net Zero
Chuyển đổi năng lượng là quá trình quan trọng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã cam kết với các mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hiệp định như Thỏa thuận Paris. Từ cam kết Net-Zero đến những hành động cụ thể, thiết thực là hành trình dài đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi cần phải có nhận thức rõ về chuyển đổi xanh, phát triển và thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh phát thải thấp. Đây cũng là thời điểm, cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, khẳng định quyết tâm cùng hành động nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu; là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đưa đất nước phát triển theo “con đường xanh”, có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đưa ra những giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero sáng ngày 24/10, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chương trình Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh – Hướng tới mục tiêu Net Zero”. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực truyền đi thông điệp về hành động chung tay thúc đẩy chuyển đổi phát triển năng lượng xanh.
Qua đó giúp các doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng tái tạo, tìm kiếm biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Theo ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng thiết bị sử dụng ít năng lượng.
PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng toàn cầu. Từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, nhiều quốc gia đã đưa ra lộ trình giảm phát thải, áp dụng các công nghệ carbon thấp, đồng thời thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các quốc gia phát triển như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã ban hành các chính sách mạnh mẽ để chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi này không chỉ gặp khó khăn về tài chính và công nghệ mà còn yêu cầu sự thay đổi lớn về mặt thể chế và chính sách.
Với những mục tiêu cụ thể, Việt Nam hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, là một nhiệm vụ bắt buộc đối với phát triển bền vững và là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris và xu thế toàn cầu sau Hội nghị COP26.
Chuyển dịch năng lượng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ quốc tế. Các công nghệ tốt nhất hiện có và các chiến lược chuyển đổi phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu hướng đến Net Zero, TS Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có nhiều thế mạnh về các nguồn năng lượng như, năng lượng hóa thạch, thủy điện, gió... Mới đây, nguồn năng lượng mới được cập nhật đó là nguồn năng lượng hạt nhân. Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần nghiên cứu tới nguồn năng lượng hạt nhân để đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây là những nguồn năng lượng mà Việt Nam có thể làm chủ và đảm bảo yếu tố về an ninh năng lượng. Các nguồn năng lượng tái tạo thực chất hiện nay là chưa bền vững, chúng ta chuyển đổi nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn năng lượng nền và nguồn cung bền vững, ổn định. Nguồn năng lượng gió và mặt trời không ổn định và khó lưu trữ, đặc biệt là hệ thống truyền tải và hệ thống điều phối cần có nghiên cứu sâu và có đầu tư. Thực tế, việc giảm phát thải ròng bằng 0 là tương đối khó, mà dần về 0 đã tạm được xem là hiệu quả. Chúng ta cần cập nhật tiếp cận ứng dụng các công nghệ tái tạo năng lượng mới, chuyển đổi xanh.
Thẳng thắn chỉ ra những mặt trái trong vấn đề chuyển đổi năng lượng PGS, TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, Không thể phủ nhận đây là các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo song các nhà máy điện gió hay điện mặt trời đã bộc lộ không ít những nhược điểm. Điển hình như chi phí ban đầu của nhà máy điện gió và mặt trời so với nhà máy điện than cùng công suất thì tốn kém hơn nhiều bởi trang thiết bị hiện đại. Các năng lượng này hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên tính ổn định tác động lớn đến hiệu suất hoạt động. Diện tích đất và không gian sử dụng lớn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nuôi trồng thủy sản đối với điện gió ngoài khơi. Đáng chú ý là vấn đề tuổi thọ của pin mặt trời và động cơ cánh quạt, vấn đề này sẽ tạo ra một nguồn chất thải khổng lồ rất khó xử lý. Chúng ta cần có biện pháp, giải pháp, quy hoạch hợp lý khi phát triển dạng nguồn năng lượng này.