Bất động sản

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: kết hợp hài hoà phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới

Vi Anh 25/10/2024 10:24

Sáng 25/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Qua đó khắc phục được các tồn tại, bất cập và vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Sẽ kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản. Ảnh:VA
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế 6 Chương, 7 Mục, 66 Điều. Ảnh:VA

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế 6 Chương, 7 Mục, 66 Điều quy định về các chính sách: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy hoạch liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh đã được đánh giá, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới để tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn trong một luật, giúp dễ áp dụng và gắn kết quy hoạch không gian phát triển giữa hai khu vực.

Thứ nhất, quy đinh rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ ba, đơn giản hoá trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần giảm thời gian, chi phí trong công tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng.

Thứ tư, bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định không gian ngầm được lập riêng với các thành phố trực thuộc Trung Ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung Ương.

Thứ năm, bổ sung, quy định rõ chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Thứ sáu, bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Thứ bảy, bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thứ tám, bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ chín, bổ sung quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Liên quan đến nội dung dự thảo Luật, trước đó, tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần thứ 6 Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét nhiều nội dung để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ thực trạng về những khó khăn, bất cập trong nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Ảnh chụp Màn hình 2024-10-25 lúc 07.07.23
Cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch.

Theo bà Vang, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã phần nào phát huy tác dụng, tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa được tháo gỡ.

Đại biểu Vang đề nghị, ở những địa phương chưa cân đối được nguồn, thì cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định đối với quy hoạch đô thị và nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí, nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm có chủ trương thống nhất với Chính phủ để các bộ, ngành liên quan có sự đồng bộ trong hướng dẫn các địa phương áp dụng triển khai, tổ chức và thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Góp ý về yêu cầu trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, khoản 2 Điều 9 trong dự thảo luật quy định nội dung quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm các vấn đề xã hội, cảnh quan, văn hóa và di sản để làm cơ sở đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất quy hoạch.

Đại biểu đề nghị xem xét thiết kế riêng một điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật cùng hồ sơ tài liệu theo đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Vi Anh