Kinh tế địa phương

Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị đặc sản địa phương bằng chỉ dẫn địa lý

Thùy Linh 27/10/2024 10:11

Tỉnh Bến Tre không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu mà còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước.

wm_buoidaxanh.jpg
Bưởi da xanh Bến Tre được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2018.

Việc tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu mà còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước.

Bến Tre trở thành địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL và thuộc tốp đầu cả nước về số lượng chỉ dẫn địa lý được xây dựng thành công.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, hỗ trợ tạo lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản thông qua chỉ dẫn địa lý. Năm 2018, tỉnh có 2 sản phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý là dừa xiêm xanh và bưởi da xanh. Các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là 2 sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm mời gọi doanh nghiệp đăng ký xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc…

Sau thành công của 2 sản phẩm trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương tạo lập, quản lý và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sầu riêng là sản phẩm thứ 3 của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, vào năm 2020. Mặc dù diện tích trồng không lớn, khoảng hơn 2.200ha, nhưng sầu riêng Bến Tre nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng. Để tạo vùng nguyên liệu sầu riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng, với tổng diện tích liên kết gần 209ha, có 10 mã số vùng trồng với diện tích 264ha.

Sau trái sầu riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tạo lập và đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho tôm càng xanh và cua biển. Cua biển được cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2021. So với các loại hình kinh tế khác, hơn 10 năm nay, con cua được xem là hiệu quả do đặc tính dễ nuôi, thích nghi thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng thời, cua có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu ổn định, bền vững. Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển toàn tỉnh khoảng hơn 18.000 ha, sản lượng ước đạt trên 1,5 ngàn tấn/năm.

Tôm càng xanh Bến Tre được chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” vào tháng 4/2021, trở thành 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý của tỉnh được bảo hộ.

Xoài tứ quý được cấp chỉ dẫn địa lý Bến Tre vào năm 2022. Để quản lý và khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý, Bến Tre đã xây dựng các mối liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng xoài xuất khẩu... Đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ xoài tứ quý là xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài...

Chôm chôm Java là loại nông sản đặc trưng thứ 7 của Bến Tre được cấp chỉ dẫn địa lý Bến Tre, năm 2023. Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý chôm chôm Bến Tre, gồm: huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành...

Đến nay, Bến Tre có 52 nhãn hiệu cộng đồng, trong đó có 09 chỉ dẫn địa lý, 10 nhãn hiệu chứng nhận, 33 nhãn hiệu tập thể.

Liên kết, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc sản

Năm 2024, hai sản phẩm mới của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý là “Gạo Nàng keo Thạnh Phú” và con nghêu. Gạo Nàng keo Thạnh Phú trong mô hình tôm - lúa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Gạo Thạnh Phú” vào tháng 2/2024. Giống lúa Nàng keo là giống lúa mùa cổ truyền được người dân trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tháng 6/2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nghêu “Bến Tre”. Có 3 sản phẩm từ con nghêu được Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, gồm: nghêu tươi (nghêu sống), nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh, thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Không chỉ ở trong nước, “Nghêu Bến Tre” còn là sản phẩm thủy sản đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chứng nhận MSC. Chứng nhận MSC đã giúp nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang mong muốn sử dụng chứng chỉ MSC của “Nghêu Bến Tre” để xuất khẩu nghêu sang thị trường cao cấp.

Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho biết, bên cạnh 9 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bến Tre tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm thẻ, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc.

Việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” và tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho các sản phẩm nông nghiệp khẳng định lợi thế riêng của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản, kỳ vọng tạo đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới.n

Thùy Linh