Bạn đọc

Minh bạch môi trường kinh doanh tại Phú Thọ - Bài 4: Có nên đánh đổi môi trường lấy kinh tế?

Nguyễn Giang 25/10/2024 11:30

Trước thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất gạch lạc hậu gây ra, UBND huyện Tam Nông cho biết “đã kiểm tra và xử phạt…”.

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-4-co-nen-danh-doi-moi-truong-lay-kinh-te-2.jpg
Cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thuộc công ty cổ phần An Phát nằm trên địa bàn xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Nguyễn Giang

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, suốt thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thuộc công ty cổ phần An Phát nằm trên địa bàn xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đào Xá tại xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của các cơ sở này cũng bị phản ánh là đang ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh khi nguồn nguyên liệu nhập vào nhà máy bị nghi vấn bất minh nguồn gốc (?!)

Đáng nói, suốt những năm qua, người dân, doanh nghiệp tại địa phương luôn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch gây ra, hạ tầng giao thông tại địa phương cũng bị tàn phá, huỷ hoại, nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng. Những vi phạm ngang nhiên diễn ra nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý nghiêm minh.

Chiều ngày 23/10/2024, Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được văn bản phản hồi từ UBND huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) về nội dung này. Cụ thể, theo văn bản số 1878/UBND-TNMT của UBND huyện Tam Nông trả lời cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với phòng tài nguyên môi trường tổ chức kiểm tra khu vực sản xuất gạch của công ty cổ phần An Phát tại khu 8, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

“Qua kiểm tra, đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5330/QĐ-XPHC ngày 11/10/2024 với tổng mức tiền phạt: 12.0000.000 đồng. UBND huyện đã yêu cầu Công ty Cổ phần An Phát khắc phục những tồn tại trên và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định về môi trường trong quá trình sản xuất”, nội dung văn bản trả lời nêu.

Tuy nhiên, với nội dung trả lời của chính quyền địa phương. Dư luận vẫn băn khoăn khó hiểu rằng, nhà máy sản xuất gạch của công ty cổ phần An Phát đã bị xử phạt hành chính vì những vi phạm gì? UBND Tam Nông yêu cầu khắc phục ra sao và trong thời hạn bao lâu? và đặc biệt, trong suốt thời gian qua, vì sao cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm minh, dứt điểm?

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-4-co-nen-danh-doi-moi-truong-lay-kinh-te-1(1).jpg
Cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đào Xá tại xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Nguyễn Giang

Cần phải nói thêm rằng, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng từ Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII. Đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng xác định "ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất...

Tới Đại hội XIII Đảng tiếp tục khẳng định "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường". Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta.

Và gần nhất là từ năm 2018, Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo quy định tại Quyết định số 1469/Qđ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tại tỉnh Phú Thọ, được biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, giảm dần sản xuất, sử dụng gạch xây đất sét nung. Nhiều năm qua lãnh đạo địa phương này đã chỉ đạo, triển khai các phương án kiên quyết xóa bỏ những cơ sở sản xuất gạch gây ô nhiễm để chuyển sang đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, an toàn với môi trường.

Tuy nhiên, khó hiểu là đến nay, một số ít nhà máy sản xuất gạch đất sét nung như công ty cổ phần An Phát vẫn hiên ngang hoạt động mỗi ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và đời sống nhân dân, gây bất bình đối với các doanh nghiệp địa phương.

Dư luận cho rằng, những vi phạm ngang nhiên diễn ra những không được xử lý nghiêm minh sẽ tạo dư luận xấu, doanh nghiệp, người dân mất niềm tin vào công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Nên chăng, đã đến lúc lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những "con sâu đang làm giầu nồi canh"? Kiên quyết thực hiện đúng theo quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, cũng như chỉ đạo từ Chính phủ "phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…".

Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nguyễn Giang