Kinh tế địa phương

Hải Phòng: Quyết tâm nối dài chuỗi tăng trưởng 2 con số

Hải Ngân 25/10/2024 14:16

TP Hải Phòng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh kế với mục tiêu tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng 2 con số.

Chủ động khắc phục khó khăn

Theo UBND TP Hải Phòng, trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 87.822 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,78 tỷ USD, đạt 89% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hoá qua cảng ước ước đạt 123,48 triệu tấn, tăng 9,41%...

9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hải Phòng tăng 9,77% so với cùng kỳ, gấp hơn 1,43 lần bình quân chung cả nước. Kết quả này đã đưa TP Hải Phòng trở thành địa phương đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.

68.jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 của TP Hải Phòng ước tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm của TP Hải Phòng chưa đạt kế hoạch đề ra, như: sản lượng hàng qua cảng, giải ngân vốn đầu tư công…

Theo bà Trần Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố bị ngừng trệ một thời gian. Chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, kéo theo chỉ số IIP tháng 9/2024 ước tăng trưởng thấp 3,48% so với cùng kỳ.

Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, dù phải đối mặt với những thách thức, TP Hải Phòng quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. TP Hải Phòng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thanh toán bảo hiểm đối với các thiệt hại sau bão, hỗ trợ chính sách tín dụng, thủ tục xuất nhập khẩu…

Cũng theo ông Châu, Thành uỷ Hải Phòng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành phân công nhiệm vụ, nhóm doanh nghiệp cho các cán bộ, công chức chủ động liên hệ làm việc, bám sát từng doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ phục hồi sản xuất.

Ông Chung Jae Ho - Tổng giám đốc Công ty TNHH Serveone (Việt Nam) chia sẻ, để làm việc và kinh doanh tại TP Hải Phòng có rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ của chính quyền TP Hải Phòng. Ngoài ra, các ban, ngành còn mở rộng các hoạt động để gỡ rối, gỡ khó cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, sau đợt bão vừa rồi, TP Hải Phòng đã có nhiều sự hỗ trợ để giúp cho doanh nghiệp phục hồi lại sau bão.

Quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Năm 2024, TP Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2023. Trong khi đó, 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP mới đạt 9,77%. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, giữ tăng trưởng ở mức 2 con số, TP Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án sản xuất công nghiệp, nâng cao chỉ tiêu về chỉ số IIP năm 2024. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các công trình mới trong năm 2024 và các năm tiếp theo…

Các đại biểu tham quan một số sản phẩm của Nhà máy Cấu trúc phần cứng Assa Abloy Việt Nam
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm của Nhà máy Cấu trúc phần cứng Assa Abloy Việt Nam tại lễ khánh thành Nhà máy Cấu trúc phần cứng Assa Abloy Việt Nam vào đầu tháng 10/2024

Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, các đơn vị liên quan cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương, nhất là với đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu công thấp hơn mức bình quân chung của TP Hải Phòng cần chủ động, tập trung, quan tâm cao nhất đến nhiệm vụ này, đồng thời khẩn trương thực hiện giải ngân đối với dự án đã hoàn thành. Các Sở, ngành đẩy nhanh trình tự, thủ tục đầu tư các dự án. Các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch đề ra, chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố, sở, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời vướng mắc…

Thực tế, với lợi thế về hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư kinh doanh..., TP Hải Phòng được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, sau bão Yagi, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tích cực phối hợp với các sở ngành của thành phố và các cơ quan, đơn vị như: Cục Hải quan, Cục Thuế Hải Phòng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất. Hiện các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều đang có nhu cầu rất lớn về thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất.

Hải Ngân