Trung Quốc kêu gọi cải cách tài chính toàn cầu
Trung Quốc đang tìm cách cân bằng cán cân quản trị tài chính quốc tế trong một hệ thống do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chi phối.
Các nhà phân tích cho biết, với việc hướng tới các quốc gia thuộc Nam Bán cầu, Bắc Kinh ngày càng thúc đẩy việc kêu gọi một vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính đa phương khi quốc gia này chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc đảm bảo tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vốn do phương Tây chi phối.
Trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, ông đã lên tiếng phản đối sự trì trệ trong cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đồng thời kêu gọi nỗ lực từ các thị trường mới nổi chủ chốt nhằm thúc đẩy hệ thống tài chính quốc tế phản ánh tốt hơn những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi.
Bài phát biểu cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ngân hàng Thế giới và IMF. Theo đó, các tổ chức này đang tiến hành các cuộc họp thường niên để thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu, nợ công và rủi ro tài chính tại Washington. Các cuộc họp cũng nhằm phản ánh về cải cách thể chế khi hệ thống Bretton Woods đã tồn tại 80 năm nay.
Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 17% GDP của thế giới và đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng toàn cầu hàng năm, thường được coi là chưa được đại diện xứng đáng trong hai tổ chức quan trọng này. Ví dụ, quyền biểu quyết của Trung Quốc tại IMF hiện là 6,08%, ít hơn so với 6,14% của Nhật Bản và 16,49% của Mỹ.
"Có khả năng quyền biểu quyết của Trung Quốc sẽ được tăng lên. Nhưng chúng ta không nên coi trọng vấn đề này quá mức", ông Chen Fengying, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc nhấn mạnh.
Giới chính sách và các nhà nghiên cứu của Bắc Kinh thường chỉ ra những căng thẳng với Mỹ gây ra nhiều lo ngại, từ việc vũ khí hóa đồng USD đến các mối đe dọa trừng phạt tài chính.
Theo truyền thống, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đến từ Mỹ, trong khi Giám đốc điều hành IMF đến từ Châu Âu. Trong khi đó, các vị trí cấp cao khác như Phó chủ tịch WB hoặc Phó giám đốc điều hành IMF hiện đang do đại diện Trung Quốc đảm nhận.
"Môi trường toàn cầu đã trải qua những thay đổi to lớn", chuyên gia Chen Fengying nói. Vậy tại sao không đón nhận các nước Nam bán cầu cho sự phát triển trong tương lai?. Bà Chen Fengying cũng đặc biệt chỉ ra một số quốc gia tiêu biểu ở Châu Phi, Nam Á, Trung Đông và Trung Á.
Yu Yongding, cựu Cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết rằng một trong những cải cách nên hướng tới việc giảm nhu cầu của nhiều quốc gia trong việc tích lũy dự trữ bằng đồng đô la Mỹ.
Ông Tập Cận Bình cũng đề cập trong bài phát biểu rằng một loạt các mạng lưới hợp tác sẽ được thiết lập trong khuôn khổ BRICS và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Trung Quốc hiện cũng là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh, với quyền biểu quyết là 26,6%.
Hiện AIIB đã mở rộng số lượng thành viên lên 110 quốc gia/vùng lãnh thổ, trở thành ngân hàng phát triển đa phương lớn thứ hai thế giới sau Ngân hàng Thế giới, xét về số lượng thành viên.
“AIIB đóng vai trò quan trọng trong việc chứng minh Trung Quốc có thể lãnh đạo một tổ chức quốc tế với các tiêu chuẩn quốc tế”, Bert Hofman, cựu Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
“Do đó, mối lo ngại về việc Trung Quốc nắm giữ cổ phần lớn hơn trong các tổ chức tài chính quốc tế là không có cơ sở”, ông Hofman nói thêm.
Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cảnh báo rằng quản trị toàn cầu hiện đang tụt hậu so với thực tiễn và ông kêu gọi có các cải cách để đảm bảo tính đại diện, bao trùm và công bằng hơn.
“Trung Quốc không muốn xây dựng một trật tự thế giới mới từ đầu. Thay vào đó, quốc gia này nhấn mạnh cải cách các cơ chế giải quyết tranh chấp theo các quy tắc hiện hành, đặc biệt trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)””, ông Wang Huiyao viết trong một bài báo trên Enhancing Global Governance in a Fragmented World.