24h

Nhiều nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất

Gia Nguyễn 25/10/2024 16:30

Góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra sự thiếu thống nhất trong một số quy định tại nội dung Dự thảo…

Theo đó, tiếp tục thảo luận, góp ý nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sáng ngày 25/10, các đại biểu Quốc đã chỉ rõ một số nội dung còn thiếu thống nhất cần được xem xét, hoàn thiện.

gop-y-du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-nong-thong-25.10.3.1.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý Dự thảo Luật - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, điểm c khoản 5 Điều 3 của Dự thảo Luật có quy định quy hoạch phân khu được lập cho trường hợp “Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan”.

Theo đại biểu, cần bỏ điểm này, vì quy hoạch phân khu đô thị và nông thôn cần được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trường hợp có mâu thuẫn giữa các luật thì cần có sự điều chỉnh thống nhất tại một luật chuyên ngành thay vì phải rà soát tất cả các luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực của pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, điểm d, khoản 7, Điều 3 trong Dự thảo Luật quy định, quy hoạch chi tiết được lập cho trường hợp khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

Góp ý nội dung này, đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này. Bởi, hiện nay, pháp luật về nhà ở chỉ quy định lập quy hoạch chi tiết cho dự án nhà ở. Việc lập quy hoạch chi tiết cho tất cả các dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, kể cả dự án nhà ở sẽ không hiệu quả, vì lập quy hoạch chi tiết cần huy động được sự sáng tạo, ngoài ra còn có khó khăn trong công tác điều chỉnh sau khi thực hiện đấu thầu, đấu giá.

gop-y-du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-nong-thong-25.10.3.2.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham gia góp ý Dự thảo Luật - Ảnh: Media Quốc hội

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho hay, về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, Dự thảo luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Song, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, thì một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Ngoài vấn đề nêu trên, theo đại biểu, về hệ thống quy hoạch đô thị, thực hiện Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP Hà Nội lập quy hoạch chung thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn, thị tứ. Dưới quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị, từ đó dẫn đến, để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.

Hiện nay, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang tiếp tục quy định tại Điều 3, Điều 20 là quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị mới… từ đó dẫn đến, sau khi điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thì TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn, rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, đối với thành phố trực thuộc trung ương, chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, sau đó sẽ lập ngay các quy hoạch phân khu để tránh lãng phí, sớm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tích cực, trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, đa dạng đối với các nội dung của Dự thảo Luật.

Gia Nguyễn