Tiềm năng và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn
Việt Nam có 4 thế mạnh và 2 thách thức chính trong việc phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, theo Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng, PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh.
Tham luận tại hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ “Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 25/10/2024, PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng cho biết, hiện nay khu vực Đông Nam Á đáng có tốc độ tăng trưởng về lĩnh vực vi mạch bán dẫn rất mạnh mẽ. Cùng với đó là các nhu cầu sản phẩm này trên thị trường cũng đang tăng rất cao trong nhiều lĩnh vực. Những quốc gia dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đã xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của mình rất tốt và bền vững. Các tập đoàn lớn, đa quốc gia cũng đang “nhìn” vào khu vực này để tìm kiếm các đối tác, đầu tư. Đây là một cơ hội rất tốt để lĩnh vực vi mạch bán dẫn phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Quỳnh dẫn số liệu cho thấy, trong năm qua trên toàn thế giới có 73 dự án xây dựng nhà máy bán dẫn. Trong đó chỉ có khoảng 23 dự án là mở rộng, còn lại phần lớn là xây dựng mới. Đông Nam Á cũng là một khu vực thu hút được sự chú ý của các dự án xây mới nhà máy bán dẫn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một chiến lược, mục tiêu rất mạnh mẽ trong việc phát triển vi mạch bán dẫn. Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ký ban hành Quyết định 1018 về phát triển công nghiệp bán dẫn giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn cho tới năm 2050. Đó là một quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo ông Quỳnh, Việt Nam có 4 lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Thứ nhất là Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh.
Thứ hai là chi phí nhân công của Việt Nam rất cạnh tranh nếu so với các nước khác trong khu vực. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba là Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi, kết nối được dễ dàng tới nhiều thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu.
Và cuối cùng là Việt Nam có một chế độ chính trị rất ổn định.
Theo số liệu ông Quỳnh có được, hiện có khoảng 50 công ty liên quan đến vi mạch bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có 5 công ty lớn là Amkor, Intel, Onsemi, Samsung và Hana Micron.
Amkor đã đầu tư 520 triệu đô và dự kiến sẽ tăng lên thành 1,6 tỷ đô, tạo công ăn việc làm cho 10.000 người. Hana Micron cũng đầu tư 600 triệu đô và dự kiến lên thành 1 tỷ đô với 4.000 nhân viên. Ông lớn Intel cũng đã đầu tư 1,5 tỷ USD và có 6.500 nhân viên.
Samsung là công ty quy mô lớn nhất. Họ đầu tư 22,4 tỷ USD với 100.000 nhân viên.
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng Việt Nam đang có 2 điểm yếu, là thách thức rất lớn cho chiến lược vi mạch bán dẫn quốc gia, ông Quỳnh cho biết.
Thách thức đầu tiên là tuy Việt Nam có một lực lượng nhân công trẻ dồi dào nhưng lại thiếu hụt một đội ngũ chuyên gia trình độ cao. Vấn đề này không chỉ Việt Nam gặp phải, mà hầu hết các nước trong khu vực cũng chung cảnh ngộ.
Ông Quỳnh cho rằng cần phải gấp rút tìm ra giải pháp để tăng cường được đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này trong thời gian sớm nhất.
Thách thức thứ hai là cơ sở hạ tầng công nghệ Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tuy những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư và có một sự phát triển khá mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn thì vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ông Quỳnh cho rằng, trong việc phát triển hạ tầng cần phải chú ý vào các yếu tố điện nước, năng lượng bền vững, giao thông tiếp vận thuận tiện và hệ thống thông tin liên lạc ổn định.
“Chính phủ cũng cần phải có những chính sách dành cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn để phát triển lĩnh vực này”, ông Quỳnh đề xuất.