Hà Nội liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững...
Trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Kết nối cùng phát triển – “Link to Grow” – Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024 diễn ra từ 25 – 27/10 tại TTTM Vincom Mega Mall Smart City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sáng 25/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chứcHội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số”.
Hà Nội tiềm năng “hút” đầu tư sản xuất xanh
Với chủ đề thu hút đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững, phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết, chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn... Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài. Nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững trên địa bàn.
“Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi sản xuất xanh”, ông Quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, ảnh hưởng do mưa bão gây thiệt hại trong sản xuất và kinh doanh nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được các kết quả quan trọng.
Minh chứng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 376 nghìn tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ (trong đó thu nội địa hơn 354 nghìn tỷ đồng, chiếm 93,5% tổng thu, tăng 23% so với cùng kỳ; thu từ thương mại điện tử đạt 28,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6 nghìn tỷ đồng tương ứng tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5%. Thành phố thu hút trên 1,5 tỷ USD vốn FDI; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,44 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ; Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,561 triệu lượt, tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 108,1%), trong đó khách quốc tế 3,156 triệu lượt, tăng 41,5%. Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
“Thành phố Hà Nội, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có sức lan toả mạnh để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, và bảo vệ môi trường”, ông Quang nhấn mạnh.
Thu hút đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững
Chia sẻ về tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung, khu vực phía Bắc nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho hay, SHBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. JETRO nhình nhận Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ 1 khu vực Châu Á.EuroCham nhận xét, Việt Nam được đánh giá thuộc top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu...
Ngoài ra, theo Phòng CN&TM Đức, 90% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hà Lan, Bỉ đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, một số lĩnh vực của các nhà đầu tư FDI quan tâm là, năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, robot.
“Trước thực tế trên, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Tuấn nêu rõ.
Đồng thời, tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh;thúc đẩy dự án đầu tư vào công nghiệp xanh, năng lượng sạch và phát triển đô thị bền vững; Phát triển các khu vực có cơ chế chính sách đặc thù và cải thiện kết nối toàn cầu; phát triển tài chính số và tài chính xanh...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã được thành lập để giúp Chính phủ. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp”.
Cũng ở khía cạnh định hướng thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin, hiện Khu công nghệ cao Hoà Lạc thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực gồm: Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ tự động hoá; Công nghệ thông tin.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam; khuyến khích đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000 hoặc tương đương.
Đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ doanh thu từ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nhân lực lao động, nhân lực thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển, dây chuyền công nghệ theo quy định của Bộ KH&CN. Phát thải, sử dụng đất, nhân công thấp. Suất đầu tư, công nghệ, giá trị gia tăng, tự động hoá cao.
Ở góc độ khác, ông Phạm Phúc Mạnh, Công ty TNHH Vinfast - NPP Vinfast Thịnh Cường cho rằng, hiện nay Việt Nam xếp thứ 22 trong tổng 177 quốc gia có chất lượng không khí kém nhất trên toàn cầu, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 6 lần khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới... Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở TN&MT TP.Hà Nội, khoảng 70% lượng khí thải gây ô nhiễm không khí đến từ các phương tiện giao thông.
“Theo đó, việc di chuyển bằng phương tiện xe điện giúp khí phát thải từ phương tiện đó ra môi trường đạt mức bằng 0. Ước tính mỗi ô tô điện cứ di chuyển khoảng 130 km sẽ tương đương với việc trồng thêm 1 cây xanh. Với khoảng 90.000 xe oto và xe máy điện đã bán ra, ước tính làm giảm khoảng 260.000 tấn CO2 phát thải vào môi trường mỗi năm, tương đương 11,3 triệu cây xanh mới được trồng, (chu kỳ 1 năm)”, ông Mạnh kiến nghị.
Để hoàn thành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà Chính phủ đề ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đến 30/6/2024, đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.253 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 4,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh...
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều thách thức và rào cản như, nguồn lực tài chính còn khá hạn chế; thiếu cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh, thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể; nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết về sản xuất xanh, dẫn đến không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh...
Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành, lĩnh vực...
Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La khuyến nghị: “Các doanh nghiệp và HTX cần thay đổi tư duy từ phát triển kinh tế truyền thống sang phát triển sản xuất xanh, bền vững. Tư duy xanh cần được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Phát triển sản xuất xanh, bền vững không chỉ là xu hướng, mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm”.