24h

Sửa Luật Điện lực: Phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Gia Nguyễn 26/10/2024 16:30

Tham gia góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực phải đưa ra được các nội dung đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/10, các đại biểu đã tham gia thảo luận và cho ý kiến ở Tổ về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó, không ít ý kiến đề nghị việc sửa đổi cần được thực hiện chắc chắn, kỹ lưỡng và hơn hết phải đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra.

thao-luan-luat-dien-luc-26.10.1.2.jpg
Chiều 26/10, các đại biểu tham gia thảo luận ở Tổ và cho ý kiến góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý Dự thảo này, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hiện nay, các dự án lưới điện trung, hạ áp có diện tích chiếm đất nhỏ, hơn 90% là cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân và trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước, trường học, trạm bơm nước sinh hoạt, bệnh viện…

Thực tế, các dự án này không được quy hoạch chi tiết, việc đầu tư tùy thuộc nhu cầu phụ tải thực tế (quá tải đột biến, các phụ tải tiểu thủ công nghiệp…).

Do vậy, thời gian triển khai cần nhanh (thường yêu cầu trong vòng 5 - 6 tháng), nếu phải thực hiện chủ trương đầu tư như quy định tại khoản 2, Điều 19 của Dự thảo thì sẽ kéo dài dự án đầu tư do phải đáp ứng các điều kiện phải có quy hoạch sử dụng đất 5 năm/lần.

thao-luan-luat-dien-luc-26.10.1.1.jpg
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực phải đưa ra được các nội dung đáp ứng yêu cầu thực tiễn - Ảnh: Media Quốc hội

Trước vấn đề đã nêu, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định này để tạo điều kiện cho các công ty điện lực các tỉnh triển khai thực hiện dự án này bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và đáp ứng nhu cầu điện hiện nay.

Bên cạnh đó, về các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20, 21, 22 của Dự thảo) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, bảo đảm tối đa, nhanh chóng nguồn an ninh năng lượng. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc xây dựng cơ chế bảo đảm cung ứng điện trong các tình huống khẩn cấp là hết sức cần thiết.

Bởi, nếu không có cơ chế đặc thù thì việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục, quy trình sẽ kéo dài thời gian tổ chức thực hiện và ảnh hưởng đến yêu cầu cung cấp điện và phát triển kinh tế - xã hội hiện này, cũng như ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư khi vào đầu tư các địa phương.

Do đó, cần có những quy định đặc thù, rõ ràng để triển khai, bảo đảm mục đích và yêu cầu phát triển giai đoạn hiện nay.

Còn theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cần thiết kế khoản 9, Điều 5 tương tự như khoản 8, Điều 5 của Dự thảo Luật, theo đó, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Cùng với đó, góp ý về các Điều 40, 41, 42 Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, các quy định này hiện đang tách riêng hai quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho hoạt động khảo sát dự án điện gió ngoài khơi và hoạt động xây dựng dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, sau khi khảo sát, dữ liệu sẽ do Nhà nước sở hữu; bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.

Như vậy, cần có cơ chế hợp lý để đảm bảo quyền lợi của bên khảo sát nếu không được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án. Bên khảo sát tự bỏ chi phí để khảo sát khu vực biển nhưng không nhận được lợi ích về mặt kinh tế, do không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát (Nhà nước sở hữu, nhà đầu tư không được bán hoặc cung cấp cho bên thứ ba), và cũng không được đảm bảo quyền phát triển dự án sau này (bắt buộc tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ, nếu bên khảo sát không được lựa chọn làm đơn vị phát triển dự án, thì đơn vị phát triển dự án có được sử dụng dữ liệu khảo sát của bên khảo sát không?

“Do đó, nên bổ sung thêm một điểm vào khoản 4, Điều 40 theo hướng: d) Chính phủ quy định về quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng và bảo mật dữ liệu khảo sát phục vụ nghiên cứu đầu tư dự án, khảo sát lập dự án và khảo sát phục vụ thiết kế dự án điện gió ngoài khơi”, vị đại biểu này góp ý.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, tham gia góp ý vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay việc phát triển trạm sạc xe điện rất phổ biến, tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định cụ thể, vì vậy, nên xem xét việc luật hóa phát triển trạm sạc xe điện. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của người sử dụng mà còn tạo cơ sở pháp lý để quản lý, vận hành và bảo vệ môi trường…

Gia Nguyễn