Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
Quảng Ninh xác định chiến lược phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng, bởi đây là ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực.
Từ Nghị quyết 15-NQ/TU
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đạt những kết quả quan trọng. Đến nay mục tiêu tổng quát của Nghị quyết cơ bản đạt, với khu vực cảng biển Quảng Ninh được định vị và có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế.
Kinh tế biển được xác định là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế nổi trội, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics…
Được biết: Năm 2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU) với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch
Ngay sau khi Nghị quyết 15 ra đời, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đề ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình Nghị quyết 15 đề ra.
Dù đạt được kết quả tích cực nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đặc biệt, trong mảng logistics, cảng biển, khai thác hải sản và phát triển du lịch biển đảo.
Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển trong thu ngân sách và quy mô nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với vị trí địa lý của một địa phương có 250 km chiều dài bờ biển, 9/13 đơn vị cấp huyện ở ven biển.
Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến kinh thế giới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 15.
Ngoài ra, những quy định hành lang, pháp lý về hàng hải, cảng biển chưa đầy đủ; thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển. Việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải cần nguồn vốn lớn trong khi các cơ chế, chính sách của tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong các ngành kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics…
Phát triển nhanh và bền vững
Theo bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển đúng hướng, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề quan trọng để tới đây tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế biển.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thống nhất sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh thay thế Nghị quyết 15. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh là cơ quan chỉ đạo tham mưu xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết mới.
Trong quá trình xây dựng đề án, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và các quy định của pháp luật mới ban hành và các quy hoạch có liên quan, nhất là Quy hoạch 80 của tỉnh, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia… Đề án phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển chung của tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh, phù hợp với thẩm quyền phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, phải nghiên cứu những vấn đề phát sinh sau cơn bão số 3. Quá trình xây dựng đề án cũng phải trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cần thiết tổ chức các hội thảo.
Trong thời gian chưa ban hành Nghị quyết mới, bà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 15. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương và các cơ quan chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công; quyết liệt triển khai đồng bộ, toàn diện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, công tác tác kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất của các bến cảng hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh và phát triển dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại các khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi.
Các địa phương biên giới và các cơ quan quản lý chuyên ngành chủ động các giải pháp quản lý để cải thiện và nâng cao chất lượng về kho bãi, hạ tầng nhằm phục vụ lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng hoạt động logistics trên địa bàn. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư ở một số khu vực biển, khu vực bến cảng có lợi thế. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, quan tâm giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển.
Để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó, chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển; đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để làm cơ sở thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho lĩnh vực này; nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển.
Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thuộc lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển; cơ chế, chính sách thu hút lao động trong và ngoài tỉnh vào làm việc tại lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển, KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng nhằm từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế…
Điều này, sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.