Giải bài toán bất cập về giá điện
Việc tính toán chi phí giá thành đối với điện chưa được hạch toán đầy đủ dẫn đến giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất.
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2023. Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đạt 528.604,24 tỷ đồng, tăng 35.338,94 tỷ đồng, tương đương 7,16% so với năm 2022.
Cần tính đúng, tính đủ giá điện
Chi phí này bao gồm các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 đạt 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm trước. Các khoản thu từ việc thanh lý tài sản cố định, nhượng bán vật tư và cho thuê cột điện của EVN đã được khấu trừ vào chi phí này.
Theo Bộ Công Thương, EVN đã chi 428,54 tỷ đồng để bù giá cho việc cung cấp điện tại các xã và huyện đảo chưa được kết nối với lưới điện quốc gia. Sản lượng điện thương phẩm của EVN trong năm 2023 đạt 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022, doanh thu bán điện thương phẩm của EVN đạt 494.359,28 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm trước, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.
Tuy nhiên, bất chấp doanh thu tăng, EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện lên đến 34.244,96 tỷ đồng. Khi cộng thêm thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện, bao gồm hoạt động tài chính và bán công suất phản kháng, tổng số lỗ của EVN giảm xuống còn 21.821,56 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, hiện nay, theo số liệu kiểm tra của liên bộ, liên ngành năm 2023, giá thành điện cao hơn giá bán bình quân khoảng 6,7%. Giá đầu vào của giá thành điện trong những năm vừa qua như giá than trên thế giới tăng rất cao, năm vừa qua nắng nóng, nắng hạn nhiều nên sản lượng điện từ thủy điện giảm chỉ còn 30%... do đó, phải chạy các điện nền như điện than, điện dầu, điện khí mà giá thành rất cao nên làm giá điện cao. Chưa kể, vẫn phải mua một sản lượng điện nhất định, trong khi đó tỷ giá lại tăng cao hơn những năm trước. Tất cả những yếu tố đó làm cho giá thành điện tăng lên 2.088 đồng/kwh, trong khi, giá bán chỉ có 1.955 đồng/kwh nên gây lỗ cho sản xuất kinh doanh điện.
Từ đó, ông Thỏa cho rằng, điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế. Đồng thời cho rằng, ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì sẽ bảo đảm giá điện minh bạch hơn.
Bảo đảm vấn đề an sinh xã hội
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu đồng tình với ý kiến và cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện.
Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11 tháng 10 năm 2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.