Doanh nghiệp

Cần cơ chế hút doanh nghiệp cùng nông dân quản lý đất bền vững

Thy Hằng 27/10/2024 03:10

Cần đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghệ cao với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế nhập khẩu...

Khoảng 120.000 hecta đất nông nghiệp ở Việt Nam bị thoái hóa. Vì vậy, cần có giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe đất và cây trồng, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

giai-phap-khac-phuc-dat-trong-bi-thoai-hoa-min.jpg
Gần 120.000 hecta đất nông nghiệp bị thoái hóa, diện tích đất có mức chất lượng thấp, chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên.

Phải mất tới hàng nghìn năm mới có thể hình thành được nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây là vùng đất trù phú nhất Việt Nam nhờ có nguồn phù sa cũng chính là nguồn phân bón tự nhiên với rất nhiều dinh dưỡng cho đất. Thế nhưng, theo đánh giá nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp lực thâm canh, sử dụng phân bón không hợp lý đã làm cho đất, chất lượng đất giảm và suy thoái dần. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành một trong nhóm các quốc gia ở mức cảnh báo về tình trạng thoái hoá đất, đi kèm với diện tích đất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp.

Tương tự tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh. Theo số liệu điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy có 11,8 triệu héc ta đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp.

“Việc sử dụng quá nhiều phân bón làm thay đổi kết cấu, sức khỏe của đất, tác động vào hệ vi sinh vật, PH đất. Thứ hai, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, khiến giá thành nông sản cao hơn và giảm khả năng cạnh tranh. Thứ ba, việc lạm dụng quá nhiều phân bón gây lãng phí nguồn tài nguyên. Bởi khi bón phân cho cây trồng, cây lúa, cây ăn quả chỉ hấp thụ một phần, phần còn lại có thể bị rửa trôi, thấm sâu hoặc bốc hơi", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Theo ông Nguyễn Như Cường, mối quan hệ giữa đất, cây và phân bón là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Để đảm bảo mối quan này bền vững, phải hiểu về đất, cần bố trí cây trồng phù hợp, phải có cách bón phân và sử dụng các loại phân bón phù hợp với từng điều kiện, từng giai đoạn phát triển của cây trồng khác nhau. Việc đảm bảo được sức khỏe của đất, sẽ đảm bảo được nhu cầu, yêu cầu về lương thực, thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các nhóm đất ở Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề. Về khách quan, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi, dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng. Về chủ quan, do chủ yếu là canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng và với những vùng thâm canh thì hiện tượng canh tác quá nhiều thường làm kiệt quệ dinh dưỡng.

Theo thống kê, hiện nay, gần 120.000 hecta đất nông nghiệp bị thoái hóa, diện tích đất có mức chất lượng thấp, chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức họp bàn với các bên để bắt tay ngay vào triển khai Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để có những hành động kịp thời và cấp thiết trước thực trạng thoái hoá đất.

Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, hiện nay nông dân đang sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong canh tác lúa. Theo một kết quả nghiên cứu, trên 1ha canh tác lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang sử dụng khoảng 700kg phân bón vô cơ, tại Đồng bằng sông Hồng là khoảng 600kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc chỉ sử dụng 290-310kg.

Nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón vô cơ, tăng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, nếu sử dụng phân bón vô cơ không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của cây trồng.

Ông Nguyễn Như Cường khẳng định, để quản lý sức khỏe đất và hướng tới sản xuất bền vững, phải hiểu đất, hiểu về thành phần dinh dưỡng, thành phân vi sinh của đất. Cần phân tích, đánh giá để tạo ra một bộ cơ sở dữ liệu về đất. Trên cơ sở đó, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ xây dựng các quy trình canh tác, canh tác đối với từng loại cây trồng từng vùng, từng khu vực, từng địa hình.

Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau cho biết, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, số hóa. Do tập quán của người Việt Nam, đặc biệt người nông dân, luôn sử dụng phân bón theo thói quen và ưa chuộng những sản sản phẩm phân bón có giá thành thấp. Vì vậy, ông Tùng nhận định, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp nghiên cứu để tạo dựng mô hình thực tiễn.

"Những mô hình này sẽ cung cấp kết quả cụ thể, giúp người dân thấy rõ rằng việc áp dụng dòng phân bón và quy trình canh tác mới có thể đem lại năng suất cao, hiệu quả và giá trị kinh tế tốt hơn", ông Tùng nhấn mạnh.

1666662990-4a598b8f529806fdfa3bb (1)
Cần đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế nhập khẩu, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Được biết, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đã ban hành Nghị định 112 về quản lý đất lúa, cùng nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất và tiếp cận khoa học công nghệ. Do đó, ông Cường đề nghị các địa phương nghiên cứu và triển khai các chính sách mới của Nghị định 112.

Thứ hai, cần đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế nhập khẩu, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, để đạt hiệu quả cho nông dân, ông Cường cho rằng cần hỗ trợ họ hiểu rõ về bài toán hiệu quả kinh tế đến sản phẩm cuối cùng, thay vì chỉ quan tâm đến việc mua được sản phẩm rẻ hay không.

“Doanh nghiệp nên phối hợp với cơ quan khuyến nông và chuyên môn để tổ chức các mô hình và lớp tập huấn. Trong đó, ngoài việc giới thiệu kỹ thuật và các loại phân bón mới, cần cung cấp phân tích kinh tế rõ ràng, giúp nông dân thấy rằng dù chi phí ban đầu có cao hơn, hiệu quả kinh tế và giá thành cuối cùng trên mỗi tấn thóc hay trái cây sẽ thấp hơn. Cần xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng để tuyên truyền và phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, trong các buổi tập huấn, không chỉ giới thiệu kỹ thuật mà còn phải chú trọng phân tích về lợi ích kinh tế để người nông dân dễ tiếp cận và sẵn sàng chuyển đổi", ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Thy Hằng