Hà Nội thu hút nhà đầu tư năng lượng mới, năng lượng sạch
Để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, Hà Nội ưu tiên "hút" đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng mới, sạch, nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao công nghệ vật liệu mới...
Theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) thì, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong KCN, CCN áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư
Tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững” do HPA chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, tổ chức, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Kết nối cùng phát triển – “Link to Grow” – Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024 diễn ra từ 25–27/10, tại TTTM Vincom Mega Mall Smart City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trước sự tham dự dự của gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Thành phố Hà Nội, Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp (VOAA), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cùng các doanh nghiệp Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, ông Quang khẳng định, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024xác định năng lượng mới, năng lượng sạch, nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao công nghệ vật liệu mới là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.
Theo đó, thông qua toạ đàm, Thành phố Hà Nội mong muốn gặp mặt các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, hoạt động ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng ít năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng chất thải, ô nhiễm nhằm mục tiêu phát triển bền vững và các đối tượng thuộc hệ sinh thái có liên quan.
Tuyên truyền, phổ biến thông tin về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, các khung pháp lý trong việc khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Đồng thời, lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất, kinh doanh; giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trên thế giới”, ông Quang nhấn mạnh.
Sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc
Qua việc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi, đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của Thành phố Hà Nội trong việc thu hút đầu tư các công nghệ xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường. Ts Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho biết, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường. Báo cáo của Bộ TN&MT năm 2023 chỉ ra rằng, hơn 30% các KCN tại phía Bắc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải và chất thải rắn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí, và cạn kiệt nguồn nước ngọt.
“Chính vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong dài hạn”, Ts Mạc Quốc Anh nhìn nhận.
Thực tế, chuyển đổi sản xuất xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã tiết kiệm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.
Cũng theo Ts Mạc Quốc Anh, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cho hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ dễ dàng tiếp cận các thị trường này mà còn được hưởng các ưu đãi về thuế và xuất khẩu.
Từ góc độ xã hội, sản xuất xanh giúp tạo ra các công việc mới trong các ngành công nghệ xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, đến năm 2030, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể tạo thêm 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam”, Ts Mạc Quốc Anh nói.
Ở góc độ khác, nhìn nhận nông nghiệp hữu cơ trên con đường hướng tới kinh tế xanh, Ths.Đặng Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam dẫn chứng, theo báo cao Bộ NN&PTNT đến năm 2023, tổng diện tích đất canh tác hữu cơ của Việt Nam đã đạt khoảng 235.000 ha, chiếm khoảng 2,36% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước.
Hiện nay thị trường Việt Nam sản xuất tập trung một số sản phẩm: Dừa, gạo, gia vị, chè, tôm... Mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ sản xuất trong nước hàng năm khoảng 500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng cao nhưng nguồn cung đáp ứng chiếm % nhỏ so với nhu cầu.
“Giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ năm 2020 đạt 335 triệu USD thì đến nâm 2023 đã đạt khoảng 500 triệu USD, trong đó, chiếm tỷ trọng cao, chủ yếu làsản phẩm chứng nhận hữu cơ quốc tế” Ths. Hường cho hay.
Ngoài ra, theo Ths.Hường, hiện có khoảng 200 đơn vị xuất khẩu rau, quả, cà phê, gạo, điều, hạt tiêu...Sản lượng trên 300 ngàn tấn/năm. Thị trường chính là: Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Cambodia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Hồng kong.
Đáng chú ý, nông nghiệp hữu cơ đóng góp vào giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Qua đánh giá thực tế, lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã giảm khoảng 30-50% ở những vùng sản xuất hữu cơ so với canh tác thông thường.
“Điều này giúp bảo vệ nguồn nước, đất đai, và đa dạng sinh học, đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”, Ths.Hường quả quyết.
Để phát triển kinh tế xanh, Ths.Hường cho rằng, VOAA đã tham mưu, đề xuất chính sách về nông nghiệp hữu cơ với Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN,...Tham gia Hợp tác quốc tế các hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ tại khu vực và Thế giới (Thành viên của IFOAM ASIA, IFOAM Initernational)
Tổ chức thực hiện các chương trình dự án,đối tác chiến lược ADDA (Đan Mạch), Naturland (Đức), Helvetas (Thụy Sĩ), Mekong Organics... Mặt khác, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho hội viên như: Xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ Việt Nam; đào tạo kỹ thuật sản xuất – Tiêu chuẩn – Thị trường...; tư vấn phát triển chuỗi giá trị hữu cơ, chứng nhận hữu cơ, hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS)...
“Trên con đường phát triển kinh tế xanh sản xuất hữu cơ đã đóng góp tăng trưởng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tạo sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và hợp tác xãtham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ – sản phẩm xanh; đóng góp vào giảm phát thải và bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ chính sách và chiến lược phát triển xanh quốc gia”, Ths.Hường nêu rõ.
Đồng tình với các nhận định, đánh giá về việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều câu hỏi thắc mắc, trăn trở, khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được các chuyên gia trả lời giải đáp và đưa ra các giải pháp tháo gỡ, cũng như đề xuất, khuyến nghị đến Chính phủ, các Bộ ban ngành, địa phương liên quan về, các chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghệ xanh, các giải pháp thân thiện với môi trường, vốn...