Công nghệ

Thách thức kỹ thuật lớn nhất của đường sắt cao tốc

Quân Bảo 27/10/2024 11:50

“Đảm bảo năng lượng” sẽ là thách thức lớn nhất và khó hơn nhiều so với việc triển khai công nghệ thông minh hay đảm bảo tính an toàn.

Trong bộ ba Công nghệ thông minh, Năng lượng và Tính an toàn, ông Samuel Ang, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khẳng định Năng lượng sẽ là thách thức kỹ thuật lớn nhất đối với Việt Nam trong triển khai đường sắt cao tốc. So với năng lượng thì Công nghệ thông minh hay Tính an toàn, Việt Nam đều dễ dàng triển khai hơn nhiều.

img_2079.jpg
Ông Ang: "Đảm bảo năng lượng sẽ là thách thức lớn nhất"

Ông Ang khẳng định điều đó tại hội thảo “Xây dựng hệ thống vận tải 3S (Thông minh, bền vững, an toàn) - Từ đường sắt cao tốc đến cơ sở hạ tầng xe điện” chiều ngày 26/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Ang nhận định Việt Nam có những yếu tố “hoàn hảo” cho việc xây dựng hệ thống tàu cao tốc. Việt Nam có địa lý rất “thú vị”, hẹp và kéo dài xấp xỉ 2.000km từ Bắc vào Nam, rất thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường tàu cao tốc chạy liên tục. Điều này cho phép kết nối các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trên một hành lang thẳng và không bị gián đoạn. Đó là điều thuận lợi đầu tiên.

Điều thứ hai là dân số Việt Nam tập trung ở các vùng đô thị và ven biển dọc theo trục Bắc-Nam, mà đường sắt thì luôn muốn ở vị trí gần dân cư. Đây là yếu tố thuận lợi giúp đường sắt cao tốc tiếp cận trực tiếp được hơn 60% dân số Việt Nam, giúp cải thiện việc đi lại, giảm thời gian di chuyển giữa các khu vực đông dân cư.

Điều thứ ba, đường sắt cao tốc sẽ giảm bớt áp lực cho nhiều phương tiện vận tải hàng không và đường bộ, giảm lưu lượng giao thông, giảm lượng khí thải carbon và cải thiện hiệu quả đi lại cho hàng triệu người.

Điều thứ tư, ông Ang lưu ý những lợi ích về mặt xã hội và kinh tế của việc tăng cường kết nối. Việc kết nối các thành phố sẽ tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy thương mại và hỗ trợ du lịch giữa các tỉnh, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân ở các vùng nông thôn dọc theo tuyến đường sắt, góp phần vào sự phát triển cân bằng của quốc gia.

Bên cạnh việc nhấn mạnh “Việt Nam là ví dụ hoàn hảo nếu bạn đang xem xét đường sắt cao tốc”, ông Ang cũng cảnh báo thách thức lớn nhất mà Việt Nam gặp phải khi xây dựng giải pháp giao thông an toàn, bền vững và thông minh, đó là việc đảm bảo nguồn năng lượng ổn định.

Theo ông Ang, trong bối cảnh của Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay đối với Việt Nam, với vai trò là một quốc gia đang phát triển rất nhanh và tiêu thụ rất nhiều năng lượng, là đảm bảo nguồn điện.

Theo số liệu của ông Ang, từ năm 2011 đến năm 2022, nhu cầu điện tăng trung bình là 9,2%. Nhu cầu điện năm 2022 là 242 gigawatt. Thế nhưng chỉ riêng năm ngoái (2023), nhu cầu đã tăng từ 242 lên 280, tương đương 17%.

Ông Ang nói: “Việt Nam đang công nghiệp hóa rất nhanh, nhu cầu điện ước tính vào cuối năm 2030 là 600 gigawatt. Con số thực sự đã cao hơn gấp đôi so với 2023. Vì vậy, cơ sở hạ tầng điện cần phải phát triển rất, rất nhanh mới có thể đáp ứng được sự tăng trưởng của Việt Nam”.

Ông Ang khẳng định giải quyết những thách thức này rất tốn thời gian và cả tiền bạc.

Về giải pháp, ông Ang gợi ý đảm bảo việc kết nối xanh thông qua liên kết đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng xe điện với năng lượng tái tạo để thiết lập mạng lưới giao thông sạch hơn và có khả năng phục hồi, đồng thời nhấn mạnh vai trò của quan hệ đối tác và đổi mới, trong đó có nỗ lực hợp tác giữa chính phủ Việt Nam, ADB, các cơ quan phát triển xã hội khác, và khu vực tư nhân là điều cần thiết để đạt được tầm nhìn về hệ thống giao thông 3S bền vững.

“Kết nối xanh với đường sắt cao tốc, và như tôi đã nói, Việt Nam có lẽ là quốc gia lý tưởng nhất để có thể thực hiện điều đó”, ông Ang kết luận.

Quân Bảo